Lấy thứ phế liệu "rẻ tiền" đem về tận dụng, có người bán giá hàng trăm triệu/sản phẩm
Những thứ này rất rẻ tiền nhưng qua bàn tay con người bỗng trở thành sản phẩm có giá trị rất cao, giá bán lên đến hàng trăm triệu đồng.
Phế liệu kim loại có giá trị rất thấp nhưng những người đàn ông này sử dụng chúng để tạo ra các sản phẩm rất độc đáo, có giá trị cao.
Điều đặc biệt là khách hàng muốn sở hữu sản phẩm hầu như đều phải đặt trước.
Anh Đỗ Minh Khoa (1983, Thái Nguyên) đã sử dụng phế liệu kim loại từ các vật dụng trong nhà hỏng như mô tơ điện trong đồ chơi trẻ em, ăng ten thu sóng của radio… để làm các con vật.
Anh chủ yếu làm các tác phẩm về chủ đề con vật sử dụng từ các vật liệu bỏ đi, như chuồn chuồn, con tôm, con kiến, chim…
Các sản phẩm của anh ban đầu chỉ thỏa mãn đam mê, sau có người biết đến và đặt hàng anh làm để làm quà tặng, sưu tầm và trưng bày…
Giá bán mỗi sản phẩm của anh vào khoảng hàng triệu đồng.
Theo anh, các sản phẩm này khó nhất ở khâu ý tưởng và tìm kiếm phế liệu kim loại để phù hợp với ý tưởng của mình.
Vì vậy, anh có rất nhiều ý tưởng mà chưa thực hiện được vì chưa tìm được vật liệu phù hợp.
Cũng tái chế các phế liệu kim loại, anh Nguyễn Tuấn Anh (TP.HCM) làm ra các sản phẩm có kích thước lớn hơn, yêu cầu kỹ thuật cao hơn.
Người đàn ông này cũng cho biết khách hàng đều phải đặt trước và anh có thời gian lên ý tưởng, tìm vật liệu và thực hiện.
Phế liệu kim loại anh sử dụng đều là những linh kiện xe: bu lông, ốc vít cũ… từ xe máy, oto.
“Sản phẩm của tôi bao gồm 2 phần: động và tĩnh. Tôi sử dụng những chiếc bánh răng để tạo ra chuyển động của sản phẩm, tạo thêm phần sinh động”, anh chia sẻ.
Do các sản phẩm đòi hỏi kỹ thuật cao, mỗi sản phẩm anh mất đến hàng tháng để hoàn thiện.
Tùy thuộc vào kích thước, độ phức tạp của sản phẩm, giá bán dao động từ 600.000 đồng đến 300 triệu đồng.
Tính đến nay, anh đã làm và bán hàng nghìn sản phẩm cho khách hàng trong nước.