"Choáng" với kho trà Phổ Nhĩ đắt nhất thế giới của chàng trai Hà Nội
Năm nghìn bánh trà Phổ Nhĩ được sản xuất, đóng gói từ năm 1999, tức là có niên đại đã 21 năm đang được một người Hà Nội sở hữu. Đây là loại trà được biết đến là thứ đồ uống đắt nhất thế giới.
Trong một lần tình cờ khám phá dãy núi Tây Côn Lĩnh (thuộc Hà Giang - Việt Nam), người này đã vô tình tìm ra kho trà Phổ Nhĩ của những nghệ nhân Trung Quốc để lại. Là người đã bỏ ra hàng chục năm để nghiên cứu về chè cổ thụ mọc trên các ngọn núi phía Bắc của Việt Nam, nên khi phát hiện ra kho trà, anh coi chúng như báu vật
Thập niên 90, một số công ty chè của Trung Quốc và Đài Loan sau khi phát hiện những rừng chè cổ thụ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh, đã sang khai thác, chế biến ra loại trà đắt nhất thế giới này.
“Với kho trà Phổ Nhĩ này, sau khi những nghệ nhân sản xuất, chế biến, họ đã đóng cửa kho và căn dặn một người dân tộc Dao rằng: Nếu họ không trở lại thì sau 20 năm mới được mở kho và được quyền sử dụng” - chủ nhân kho trà kể.
“Trong lần chinh phục đỉnh Tây Côn Lĩnh để nghiên cứu về những cây chè cổ thụ, tôi tình cờ gặp người Dao này và cũng đúng thời điểm mở kho”, anh cho biết thêm. Hiện anh đang sở hữu kho trà với 5 nghìn bánh trà Phổ Nhĩ được sản xuất, đóng gói từ năm 1999, tức là có niên đại đã 21 năm.
Trà Phổ nhĩ được biết đến có nguồn gốc thuộc khu vực Vân Nam của Trung Quốc. Nó còn có những tên gọi khác nhau như: Kim qua cống, Nhân đầu cống....
Nguyên liệu để sản xuất ra loại trà đắt nhất thế giới này là những lá, búp của cây chè cổ thụ, có niên đại từ vài trăm năm đến hàng nghìn năm tuổi. Chúng mọc ở trên những đỉnh núi cao quanh năm mây mù che phủ thuộc khu vực Vân Nam của Trung Quốc và dãy Hoàng Liên Sơn của Việt Nam.
Thời kỳ phong kiến, trà Phổ Nhĩ được các nghệ nhân người Trung Quốc khai thác, sản xuất trong rừng chè cổ thụ. Sau khi sản xuất, họ đóng gói và vận chuyển về nước.
Lá và búp chè của các cây chè cổ thụ sau khi được thu hái mỗi năm 2 lần vào mùa Xuân và mùa Thu, các nghệ nhân sẽ chế biến rồi đóng thành bánh và cất trong kho ở nền nhiệt độ thấp. “Trà Phổ nhĩ chế biến thành 2 loại là Phổ Nhĩ sống và Phổ Nhĩ chín. Sau khi đóng bánh thì họ sẽ dập tem và cất vào kho” - chủ nhân kho trà cho biết.
Giá trị của trà Phổ Nhĩ phụ thuộc vào thời gian trà được cất, ủ. Thông thường, nó được chia ra thành 3 giai đoạn 5 đến 10 năm; 10 năm đến 20 năm và 50 năm trở lên. Tuy nhiên, hiện tại trên thế giới loại Phổ Nhĩ có niên đại 50 năm là cực kỳ hiếm.
Năm 2005, tại Trung Quốc trong một cuộc đấu giá, 0,5kg trà Phổ Nhĩ có mức giá lên tới 132.556 USD, khoảng 3 tỷ đồng tiền Việt Nam.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, trà Phổ Nhĩ được một số doanh nghiệp rao bán.
Theo một số những chuyên gia, trà Phổ Nhĩ sau khi sản xuất và cất ủ trong một quỹ thời gian từ 5 đến 7 năm ở nền nhiệt độ bảo quản tốt thì trà không còn bị hỏng nữa.
Bánh trà Phổ Nhĩ 20 năm tuổi thường sẽ xuất hiện một loại vi nấm đặc biệt màu vàng và trắng giới sành trà gọi là Kim ngân, Kim hoa. Những bánh trà ít năm tuổi hơn sẽ không bao giờ có loại vi nấm đặc biệt này.