Trẻ em dính 'bẫy tình yêu' trên mạng xã hội
Những“bẫy tình yêu” trên mạng xã hội hiện đang là vấn nạn ở Mù Cang Chải. Nhiều em gái mới chỉ 14, 15 tuổi đã bị dụ dỗ bởi những lời hứa hẹn ảo, để rồi mang thai sớm, bị bỏ rơi, đánh mất cơ hội học tập. Trẻ em sinh ra trẻ em – một cụm từ đau xót.
Những bà mẹ trẻ con
Mù Cang Chải (Yên Bái) những ngày cuối tháng 3, khi các bạn đồng trang lứa tất bật ôn thi giữa học kỳ, em Sùng Thị X (15 tuổi) lại lặng lẽ thu mình trong một góc nhà học làm mẹ, học chăm con.
“Em quen bạn trai trên Facebook, nhắn tin yêu nhau được 1 năm thì có em bé. Lúc đầu em không biết, chỉ thấy đau mỏi chân tay nên đòi bố đưa đi khám và bác sĩ bảo em đã có thai. Kể từ đó, em không liên lạc được với bạn trai nữa. Em gọi điện, nhắn tin đều không được, em chẳng biết làm gì ngoài khóc”.
X chia sẻ thêm ước mơ làm cô giáo vùng cao giờ chỉ còn là hoài niệm dang dở: “Em buồn và hối hận vì không được đi học nữa. Em nhớ bạn, nhớ thầy cô, em rất muốn quay lại trường học”.
Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, chính bản thân X cũng chưa hiểu rõ thế nào là yêu, càng không biết cách bảo vệ bản thân khỏi những cám dỗ của tình yêu. Và khi sự đã rồi, người khổ tâm nhất lại chính là những bậc làm cha mẹ.
“Ban đầu tôi không hề hay biết. Cháu học ở trường Kim Nọi, chỉ cuối tuần mới về nhà. Tôi đi làm xa, ít khi ở nhà nên không nắm rõ. Chỉ thấy con kêu đau chân tay, đi lại mệt mỏi, rồi bỏ học. Đưa cháu đi khám, bác sĩ báo có thai. Tôi cho cháu ba ngày để liên lạc với bạn trai, nhưng nó đã chặn mọi số điện thoại, Facebook, Zalo. Lúc ấy, tôi mới biết con mình bị lừa. Tôi đi tìm nó suốt một tháng, lặn lội khắp 14 xã, thị trấn, khóc không biết bao nhiêu lần. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi cũng chỉ lo được khoản ăn uống, lo nhà, lo cửa để cháu ở lại với bố mẹ”, ông Sùng A D (SN 1986), bố em X, bùi ngùi chia sẻ.
Cùng hoàn cảnh với X, em Giàng Thị H (16 tuổi) quen bạn trai từ năm lớp 8 qua Facebook, chỉ một năm sau, em cũng trở thành mẹ.
“Em gặp rất nhiều khó khăn. Khi có thai, em còn quá nhỏ, không biết cách nuôi con, tất cả đều nhờ mẹ đẻ giúp đỡ. Gia đình bạn trai hứa đủ 18 tuổi sẽ cưới nhưng từ khi em sinh con, họ chưa từng thăm hỏi hay hỗ trợ gì”, H buồn rầu nói.
Bà Cứ Thị C (SN 1975), mẹ của H, nghẹn ngào: “Nó còn bé, chưa làm ra tiền, tôi phải nuôi cả hai mẹ con. Đêm hôm con khóc, nó không biết dỗ, tôi phải thức trông cháu. Khổ lắm!”.
Yêu qua mạng, bị lừa gạt, dẫn đến có con khi còn quá nhỏ là chuyện không còn hiếm lạ ở một số trường học vùng cao.
Chia sẻ về vấn đề này, cô Hoàng Thị Bảy, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Mồ Dề cho biết: “Vì học bán trú, các em ở trường từ thứ 2 đến thứ 6, nam nữ ở riêng nên hầu hết các em có phát sinh mối quan hệ yêu đương, sẽ là yêu qua mạng xã hội. Có không ít nữ sinh vì tin vào lời hứa ảo của bạn trai qua mạng rồi có con ngoài ý muốn và phải nghỉ học giữa chừng”.
Những nỗ lực ngăn chặn trong khó khăn
Tình trạng tảo hôn trên địa bàn huyện Mù Cang Chải thời gian gần đây đã giảm dần nhờ sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện. Tuy nhiên, tình trạng sinh con dưới 18 tuổi lại có xu hướng gia tăng, trở thành mối lo lớn đối với địa phương.
Theo bà Sùng Thị Máy, Trưởng phòng Dân số huyện Mù Cang Chải, việc sinh con sớm đang diễn ra phổ biến, đặc biệt là ở những em học xong lớp 9. Nhiều em sau khi học hết cấp 2 đã bỏ học để kết hôn vì mang thai. Trước thực trạng này, bà Máy đã trực tiếp tham mưu cho lãnh đạo huyện, đề xuất kế hoạch phối hợp với các ban ngành, đoàn thể để triển khai công tác tuyên truyền.
“Chúng tôi tổ chức tuyên truyền dưới nhiều hình thức như sân khấu hóa, tuyên truyền miệng, nói chuyện chuyên đề và đến tận nhà để vận động các gia đình có con gái trong độ tuổi này. Nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa địa phương và cán bộ cấp xã, nhiều trường hợp chưa có con đã được vận động thành công và không còn ý định kết hôn sớm”.
Dù khát khao được tiếp tục đến trường, nhưng gánh nặng làm mẹ buộc nhiều nữ sinh phải gác lại ước mơ. (Ảnh minh họa, không phải nhân vật trong bài)
Bà Máy cũng cho biết, hiện chưa có nghiên cứu cụ thể về nguyên nhân chính của tình trạng này. Tuy nhiên, theo bà, phần lớn là do các em thiếu hiểu biết về cách bảo vệ bản thân và phòng tránh thai. Chính quyền huyện đã tích cực tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên. Dẫu vậy, công tác này vẫn chưa được quan tâm đầy đủ, khiến tình trạng tảo hôn và sinh con sớm tiếp tục diễn ra.
Chia sẻ về thực tế tuyên truyền, vận động tại địa phương, bà Giàng Thị Ái, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Kim Nọi, cho biết: “Tùy từng năm, số lượng trẻ em tảo hôn và sinh con sớm sẽ tăng giảm khác nhau, có năm 5 - 6 cặp, có năm 2 - 3 cặp. Hội Phụ nữ thường tổ chức tuyên truyền vào các thời điểm cao điểm, trước và sau Tết, đồng thời phối hợp với các ban ngành để vận động trực tiếp tại gia đình. Tuy nhiên, không phải cặp đôi nào cũng lắng nghe. Dù vẫn gặp nhiều khó khăn, nhưng từ tháng 11 năm 2024 đến nay, địa phương chưa ghi nhận thêm trường hợp tảo hôn mới”.
Khi mọi chuyện đã rồi, chỉ có những bậc làm cha mẹ mới thực sự là điểm tựa vững chắc, sẵn sàng dang tay đón nhận đứa cháu nhỏ của mình.
Không phó mặc cho chính quyền, nhiều trường học trên địa bàn huyện cũng đang nỗ lực bảo vệ quyền lợi và tương lai của trẻ em vùng cao. Cô Hoàng Thị Bảy, chia sẻ: “Thực hiện Dự án bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em do huyện đề ra, từ năm 2024, mỗi năm trường sẽ tổ chức 4 chương trình ngoại khóa để trang bị cho học sinh kiến thức, kỹ năng về bình đẳng giới, xâm hại tình dục trẻ em và các vấn đề sức khỏe sinh sản và kết hôn trẻ em. Ngoài ra, mỗi tháng trường sẽ tổ chức sinh hoạt bán trú để hướng dẫn thêm cho các em”.
Mấy ngày qua, mạng xã hội lan truyền câu chuyện chàng trai cưới cùng lúc 2 vợ ở Quảng Nam, hiện cơ quan chức năng đang...