Thủ tướng: Mỹ là thị trường lớn nhất nhưng không phải duy nhất
Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất nhưng không phải duy nhất, do đó Việt Nam cần nâng chất lượng mặt hàng để xâm nhập thị trường tiềm năng khác, và tiếp tục đàm phán với Mỹ, theo Thủ tướng.
Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ sáng 6/4, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết Việt Nam chia sẻ với các đối tác khác, nhất là hợp tác thúc đẩy đa dạng hóa thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng. Quan hệ kinh tế - thương mại với Mỹ được đặt trong tổng thể quan hệ với các nước, đặc biệt là các nước đã ký kết hiệp định thương mại tự do và các hiệp ước quốc tế khác.
Thuế nhập khẩu đối ứng được Mỹ áp dụng với hơn 180 đối tác thương mại còn Việt Nam nằm trong nhóm các nước bị áp mức thuế cao nhất với thuế suất là 46%, dự kiến có hiệu lực từ 9/4.
Thủ tướng nêu rõ Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, nhưng không phải là duy nhất. Do đó, đây cũng là cơ hội để cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nhanh, bền vững, dựa vào khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo.
"Thị trường xuất khẩu cần cơ cấu lại và nâng chất lượng các mặt hàng để xâm nhập các thị trường khác còn nhiều tiềm năng, như Trung Đông, Đông Âu, Trung Á, Mỹ La tinh, Ấn Độ, ASEAN", ông yêu cầu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp Chính phủ, ngày 6/4. Ảnh: VGP
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng dự báo nền kinh tế sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Cùng với đó, các động lực tăng trưởng bị ảnh hưởng nặng nề, ổn định kinh tế vĩ mô gặp nhiều rủi ro.
Cụ thể, nếu bị Mỹ áp mức thuế 46% trên diện rộng, xuất khẩu sang thị trường này sẽ bị tác động mạnh, ảnh hưởng đến sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, thu hút FDI, đầu tư tư nhân, tiêu dùng, lao động việc làm trong nước...
Bên cạnh đó, việc hoàn thiện thể chế, pháp luật còn nhiều vướng mắc; hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất khẩu của doanh nghiệp có khả năng bị ảnh hưởng, thu hẹp.
"Đây là sức ép rất lớn để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra", ông Thắng nói, cho rằng việc này đặt ra yêu cầu nhà điều hành phải chủ động, quyết liệt, sát sao, đổi mới hơn nữa.
Năm nay cả nước đặt mục tiêu tăng trưởng ít nhất 8%. Quan điểm của Chính phủ, Thủ tướng là không điều chỉnh chỉ tiêu này trước các diễn biến mới về thuế quan, cạnh tranh thương mại.
Để đạt mục tiêu, theo Bộ Tài chính, 9 tháng cuối năm GDP cần tăng khoảng 8,3%. Trong đó, tăng trưởng quý II phải đạt 8,2%, quý III và quý IV lần lượt 8,3% và 8,4%, cao hơn khoảng 0,2% so với kịch bản đề ra.
Về nhiệm vụ, Bộ Tài chính đề xuất nhà điều hành tăng cường đối thoại, đàm phán song phương với Mỹ để thỏa thuận mức áp thuế đối ứng hợp lý, hài hòa lợi ích.
Ngoài ra, Việt Nam cũng cần tiếp tục giữ ổn định kinh tế vĩ mô, củng cố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư công, thu hút FDI, phát triển, bảo vệ thị trường trong nước và du lịch.
Hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh cũng là nội dung cần chú trọng, theo Bộ Tài chính.
"Các bộ ngành cần kịp thời nắm bắt, tổng hợp những vướng mắc của địa phương để hướng dẫn, giải quyết, tạo thuận lợi tối đa trong quá trình thực hiện", Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng nói.
Việt Nam đã đi qua một phần tư thời gian của năm 2025 trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, cạnh tranh chiến lược ngày càng mạnh mẽ, nhạy cảm.
Thủ tướng nhìn nhận chính sách thuế đối ứng của Mỹ, căng thẳng thương mại leo thang có thể gây đứt gãy chuỗi thương mại, cung ứng toàn cầu. Cùng với đó, các nước đã có phản ứng khác nhau, thị trường chứng khoán toàn cầu sụt giảm, tác động mạnh đến tăng trưởng và ổn định kinh tế toàn cầu.
Ông cho biết ngay từ đầu năm, Việt Nam đã chủ động thực hiện "tất cả biện pháp có thể làm". Cụ thể, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành đã giao thiệp với phía Mỹ, trao đổi trên tất cả các kênh chính trị, ngoại giao.
Trong nước, nhà điều hành có nhiều giải pháp liên quan quan hệ thương mại Việt Nam - Mỹ, như tiếp tục nghiên cứu giảm thuế nhập khẩu, mua hàng hóa, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp các nước tại Việt Nam, trong đó có doanh nghiệp Mỹ. Các yêu cầu chính đáng của phía Mỹ đều được giải quyết trên cơ sở lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ.
Ngay sau khi Mỹ công bố chính sách thuế đối ứng, sáng 3/4, Chính phủ đã họp, báo cáo Bộ Chính trị tổng thể tình hình và các giải pháp ứng phó, trong đó chú trọng giao thiệp với phía Mỹ, đề nghị tạm thời chưa áp thuế đối ứng để đàm phán cụ thể.
Ngày 5/4, Thường trực Chính phủ tiếp tục họp với các cơ quan liên quan để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị và cuộc điện đàm của Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống Donald Trump.
Theo Thủ tướng, các giải pháp "rất tích cực, nhưng cũng giữ vững bản lĩnh, bình tĩnh khi gặp khó khăn, các cú sốc từ bên ngoài". Việc này để có giải pháp sáng tạo, chủ động, thích ứng linh hoạt, hiệu quả.
"Cách tiếp cận, xử lý vấn đề mang tính tổng thể, toàn diện, cả trước mắt và lâu dài, trực tiếp và gián tiếp, có diện rộng và trọng điểm, gồm biện pháp thương mại và phi thương mại để bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc", ông nói.
Kết luận cuộc họp, Thủ tướng chỉ đạo Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc, các cơ quan rà soát, chuẩn bị kỹ phương án, kế hoạch đàm phán cụ thể với Mỹ. Phó thủ tướng Bùi Thanh Sơn cần có kế hoạch, phương án và triển khai ngay các việc cụ thể trên các lĩnh vực và kết nối chặt chẽ với Đoàn công tác đàm phán.
Với Bộ Tài chính, Công Thương, các bộ ngành, địa phương, Thủ tướng yêu cầu tháo gỡ ngay những khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài, gồm doanh nghiệp Mỹ. Các cơ quan chủ động làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp lớn, có chính sách hỗ trợ phù hợp, chủ động cung cấp thông tin, phản hồi kịp thời những vấn đề Mỹ quan tâm, nhất là về sở hữu trí tuệ, chống gian lận xuất xứ hàng hóa...
Ngoài đàm phán với phía Mỹ về thuế đối ứng, Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ ngành trong các lĩnh vực liên quan. Về đầu tư, ông yêu cầu Bộ Tài chính tăng kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công, kịp thời điều chuyển vốn cho các dự án có khả năng giải ngân tốt, tháo gỡ với các dự án FDI có quy mô lớn, công nghệ cao.
Liên quan xuất khẩu, Bộ Công Thương phải tăng đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và chuỗi cung ứng. Với tiêu dùng, Bộ Tài chính sớm xây dựng gói chính sách kích cầu, nhất là với các mặt hàng quan trọng như xi măng, sắt thép, vật liệu xây dựng... Việc này phải trình Thủ tướng trước ngày 15/4.
Ngoài ra, Bộ Tài chính được giao sớm hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về xây dựng trung tâm tài chính khu vực, quốc tế; xây dựng khung pháp lý về tài sản số, tiền kỹ thuật số, quỹ đầu tư quốc gia. Các địa phương như Đà Năng sớm trình đề án thành lập Khu thương mại tự do, còn Quảng Ninh xây dựng đề án phát triển Khu kinh tế Vân Đồn.
Ba tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 6,93%, tăng cao nhất so với các năm trong giai đoạn 2020-2025, theo Cục Thống kê. Thủ tướng đánh giá việc Việt Nam tăng trưởng thuộc nhóm cao trong khu vực và quốc tế là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh hiện nay. Tuy nhiên, nền kinh tế còn hạn chế như sức ép điều hành tỷ giá, lãi suất còn lớn, sức mua phục hồi chậm, chính sách đất đai, thị trường bất động sản còn có những bất cập, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp hơn cùng kỳ... Ông đề nghị các thành viên Chính phủ đề xuất các giải pháp để đảm bảo tăng trưởng GDP 8% trở lên, tháo gỡ về thể chế, cắt giảm thủ tục hành chính, thời gian, chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy đầu tư công, các lĩnh vực động lực tăng trưởng.
Để tháo gỡ vấn đề, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu nghiên cứu giảm tiếp thuế và rà soát những mặt hàng Việt Nam có nhu...