Phó Chủ tịch Thanh Hóa: Rất tiếc vì vụ thuốc tân dược giả kéo dài tới 4 năm
Phó Chủ tịch Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho biết đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc tân dược kéo dài 4 năm, tổng số tiền giao dịch hơn 200 tỉ đồng.
Chiều 21-4, Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 398) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I-2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi cho hay quý I-2025, lực lượng chức năng tỉnh này đã phát hiện 674 vụ việc vi phạm, trong đó có 114 vụ việc chuyển khởi tố hình sự; xử lý vi phạm hành chính 560 vụ, nộp ngân sách 80,66 tỉ đồng, trong đó phạt hành chính 18,4 tỉ đồng…
Đặc biệt từ 1-4-2025, lực lượng Cảnh sát kinh tế, công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc tân dược và khởi tố vụ án, khởi tố 14 bị can, thu giữ 21 sản phẩm là thuốc giả cùng hàng nghìn các sản phẩm là thuốc khác chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ.
Tổng số bị thu giữ là hơn 30.000 hộp thuốc các loại và các nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất thuốc giả và hơn 18.000 vỏ hộp các loại, 142 kg các loại viên hoàn, viên nén, bột và nhiều máy móc, thiết bị sản xuất như máy ép, khuôn ép vỉ, băng keo dán…
Qua đấu tranh, các đối tượng khai nhận từ 2021 đến nay đã bán ra thị trường số lượng rất lớn, tổng số tiền giao dịch hơn 200 tỉ đồng.
“Rất tiếc, vụ việc này để kéo dài tới 4 năm”- Phó Chủ tịch Thanh Hóa nói.
Ban Chỉ đạo 398 tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc giao ban công tác quý I-2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Ảnh: XĐ
Trong số nhiều đề xuất sau đó, ông Thi kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành hoàn thiện hành lang pháp lý, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn cụ thể các quy định pháp luật liên quan đến xử lý vi phạm trong lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử. Đặc biệt là tăng chế tài xử phạt để đảm bảo tính răn đe.
“Phải có chế tài xử lý hành vi tiếp tay bán hàng giả”- Phó Chủ tịch Thanh Hóa nói thêm và đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo lực lượng công an tăng cường công tác kiểm tra, giám sát địa bàn, địa phương - những nơi là địa bàn xung yếu.
Tiếp tục thu giữ lượng lớn ma túy trôi dạt vào vùng biển các tỉnh phía Nam
Báo cáo của Ban Chỉ đạo do Chánh Văn phòng Thường trực Lê Thanh Hải trình bày cho thấy trong quý I-2025, các đơn vị, địa phương đã bắt giữ, xử lý trên 30.650 vụ việc vi phạm.
Trong đó, các lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ trên 6.750 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; trên 22.770 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; trên 1.110 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ. Qua đó, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.600 tỉ đồng; khởi tố hình sự 1.328 vụ với 2.046 đối tượng.
Theo ông Lê Thanh Hải, tuyến biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, rượu, nguyên liệu thuốc lá, dược liệu (sâm), ngoại tệ, gia cầm giống, thực phẩm đông lạnh... Cụ thể là qua biên giới các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Tuyến biên giới Việt Nam - Lào, nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, đường cát, quặng, vàng... qua biên giới các tỉnh Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Kon Tum.
Tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia, nổi lên hoạt động buôn lậu, trốn thuế, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu, đường cát, gia súc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, mỹ phẩm, vàng, ngoại tệ...; qua biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang.
Tuyến biển, cảng biển nổi lên hoạt động buôn lậu, mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, pháo nổ, vật liệu nổ, thuốc lá điếu ngoại, sản phẩm động vật hoang dã, đường cát, rượu, xăng, dầu, than, khoáng sản, phân bón, hàng hóa nguồn gốc nước ngoài đã qua sử dụng, thực phẩm đông lạnh, gia cầm giống... Các hoạt động nói trên tập trung ở Quảng Ninh, Hải Phòng, Quảng Bình, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang...
Đáng chú ý, thời điểm cuối năm 2024 và đầu năm 2025, lực lượng chức năng tiếp tục thu giữ lượng lớn ma túy trôi dạt vào vùng biển các tỉnh phía Nam (Bình Định, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng).
Hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, mua bán, vận chuyển ma túy, tiền tệ, hàng hóa có giá trị cao như rượu, dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng... diễn ra ở hầu hết các cảng hàng không và bưu chính quốc tế. Nổi lên là hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ châu Âu qua cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất vào Việt Nam.
Một số phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng như lợi dụng loại hình thủ tục đơn giản với hàng hóa quá cảnh, chuyển cửa khẩu, loại hình miễn thuế đối với hàng hóa tạm nhập tái xuất, khai báo mặt hàng được ưu tiên làm thủ tục, miễn kiểm tra.
Hoặc cố tình khai sai tên hàng, thông số kỹ thuật, số lượng, chủng loại, khai báo trị giá thấp, trà trộn hàng vi phạm với hàng nhập khẩu chính ngạch để buôn lậu, thẩm lậu vào thị trường Việt Nam, gian lận thương mại, xuất nhập khẩu hàng hóa không có giấy phép, không đủ điều kiện, trốn thuế...
Một phương thức, thủ đoạn khác được nhắc tới là lợi dụng các sàn thương mại điện tử (Shopee, Tiktok, Lazada, Tiki...) và sử dụng các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo...), công cụ livestream để quảng cáo, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ với đa dạng các mặt hàng...
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Bùi Thanh Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo 398 quốc gia cho biết tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ đầu năm đến nay diễn biến rất phức tạp, xảy ra một số vụ việc rất nghiêm trọng tại một số địa phương. Phó Thủ tướng đánh giá các lực lượng chức năng đã thực hiện đồng bộ các giải pháp, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc vi phạm như vụ sữa giả ở Hà Nội; vụ thuốc chữa bệnh, thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả ở Thanh Hóa… Tuy nhiên, ông cho rằng nhìn nhận khách quan, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu quản lý nhà nước và kỳ vọng của người dân. Một số nơi chưa thực sự bám sát tình hình địa bàn, chưa làm tốt trách nhiệm, thậm chí còn buông lỏng trong việc đôn đốc, kiểm tra. Đặc biệt, vẫn còn xảy ra một số vụ việc nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận, lo lắng trong nhân dân. |
Thuốc giả được sản xuất trong môi trường bẩn thỉu, dụng cụ mất vệ sinh, nguyên liệu để dưới nền nhà, phơi ngoài sân...