Chia sẻ

Lý do chọn tên tỉnh Hưng Yên sau hợp nhất với tỉnh Thái Bình

Tỉnh Hưng Yên là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hiến và truyền thống cách mạng.

UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Thái Bình đang lấy ý kiến đối với dự thảo Đề án hợp nhất hai tỉnh.

Theo đề án này, dự kiến thành lập tỉnh Hưng Yên trên cơ sở hợp nhất tỉnh Thái Bình và tỉnh Hưng Yên. Sau hợp nhất, tỉnh Hưng Yên mới có diện tích 2.514 km2, quy mô dân số 3.363.078 người.

Đề án nêu rõ, việc sáp nhập tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình sẽ hình thành một tỉnh có quy mô kinh tế lớn, với sự kết hợp giữa kinh tế biển, nông nghiệp và du lịch; khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý.

Lý do lựa chọn tên tỉnh Hưng Yên sau hợp nhất

Đề án cũng đã đưa ra những lý do về việc lựa chọn Hưng Yên là tên tỉnh mới sau hợp nhất.

Theo đó, việc đặt tên đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sắp xếp là “tỉnh Hưng Yên” là phù hợp vì địa danh này là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hiến và truyền thống cách mạng. Tên gọi này đã xuất hiện từ thời vua Minh Mệnh năm 1831, gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử quan trọng.

Văn miếu Xích Đằng - biểu tượng của tinh thần hiếu học và nền văn hiến Hưng Yên.

Văn miếu Xích Đằng - biểu tượng của tinh thần hiếu học và nền văn hiến Hưng Yên.

Tên Hưng Yên đã có độ nhận diện cao trong cả nước, gắn liền với các giá trị thương mại, giáo dục và công nghiệp. Việc sử dụng một trong các tên gọi đã có của các đơn vị hành chính trước khi sắp xếp để đặt tên cho đơn vị hành chính hình thành sau sắp xếp nhằm hạn chế xáo trộn, giảm khối lượng công việc để thực hiện các thủ tục chuyển đổi con dấu, giấy tờ cho các tổ chức, cá nhân ở các đơn vị hành chính chịu sự tác động và tránh lãng phí.

Đồng thời, Hưng Yên nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, đóng vai trò kết nối giữa Hà Nội và các tỉnh duyên hải, tên gọi này phù hợp với định hướng phát triển vùng và quy hoạch trở thành thành phố trực thuộc trung ương.

Việc đặt tên đơn vị hành chính, UBND tỉnh Hưng Yên và UBND tỉnh Thái Bình thực hiện theo đúng quy định tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, phù hợp với quy định tại Nghị quyết 76/2025/UBTVQH15 và được đông đảo cử tri trên địa bàn đồng tình ủng hộ.

Trung tâm hành chính - chính trị đặt tại tỉnh Hưng Yên hiện nay

Qua rà soát, nghiên cứu kỹ phương án, UBND Hưng Yên và UBND tỉnh Thái Bình thống nhất đề xuất đặt trụ sở Trung tâm hành chính - chính trị của tỉnh Hưng Yên mới tại tỉnh Hưng Yên hiện nay với lý do Hưng Yên nằm ở trung tâm Đồng bằng Bắc Bộ, gần Thủ đô Hà Nội và các tỉnh kinh tế trọng điểm như Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam.

Điều này giúp kết nối giao thông thuận tiện và thúc đẩy giao thương, hợp tác kinh tế; có hệ thống giao thông đa dạng, bao gồm quốc lộ, tỉnh lộ và đường thủy.

Các tuyến đường lớn như Quốc lộ 5A, Quốc lộ 39A và sông Hồng tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển và vận chuyển hàng hóa. Hưng Yên là tỉnh đang phát triển mạnh về công nghiệp và dịch vụ, thu hút nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, đảm bảo các điều kiện về cơ sở hạ tầng để chính quyền tỉnh mới tổ chức hoạt động.

Đồng thời, khu vực dự kiến đặt trụ sở có tỉ lệ đô thị hóa rất cao, dân cư tập trung đông đúc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân trong sinh hoạt, sản xuất, học tập, giao dịch hành chính và quản lý của chính quyền địa phương sau khi sắp xếp.

Quảng trường Nguyễn Văn Linh - TP. Hưng Yên.

Quảng trường Nguyễn Văn Linh - TP. Hưng Yên.

Đề án cũng báo cáo đánh giá tác động khi thực hiện hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình.

Bên cạnh nhiều tác động tích cực về hoạt động quản lý nhà nước, phát triển kinh tế, xã hội… đề án cũng nêu một số tác động tiêu cực, trong đó nêu rõ việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh dẫn đến một trong hai địa phương mất đi địa danh truyền thống, ảnh hưởng đến văn hoá, bản sắc địa phương, tác động đến tâm tư, tình cảm của nhân dân trên địa bàn.

Để khắc phục vấn đề này, các đơn vị liên quan sẽ làm tốt công tác tuyên truyền, giải thích rõ lợi ích của việc sắp xếp, sáp nhập tỉnh để tạo sự đồng thuận từ người dân; bảo tồn văn hoá, địa danh truyền thống để tránh mất đi giá trị lịch sử của từng đơn vị hành chính các cấp.

Trong hôm nay 21/4, các quận, huyện, thị xã ở Hà Nội phải hoàn thành việc lấy ý kiến nhân dân về phương án sắp xếp đơn...

Theo THANH THANH ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Sáp nhập tỉnh thành, bộ máy

Xem Thêm