21 năm từ chia cắt đến ngày đoàn viên
Hà Nội - Để "xóa" đi giới tuyến chia cắt Bắc Nam, thu non sông liền một dải, cả dân tộc đã trải qua cuộc trường chinh kéo dài 21 năm, không phải hai năm sau tổng tuyển cử như điều khoản Hiệp định Geneve 1954.
Trưng bày chuyên đề Đất nước trọn niềm vui do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975) sẽ kéo dài từ 23/4 đến 10/8.
Hơn 300 hình ảnh tư liệu, hiện vật khái quát chặng đường 21 năm kháng chiến 1954-1975 cũng như giai đoạn xây dựng, phát triển đất nước sau ngày hòa bình. Ảnh trên là phiên toàn thể Hiệp định Geneve về đình chỉ chiến sự ở Việt Nam, ngày 8/5/1954.
Phần Khát vọng hòa bình gồm tư liệu từ năm 1954 khi đất nước tạm chia hai miền sau Hiệp định Geveve. Vĩ tuyến 17 trên sông Bến Hải, tỉnh Quảng Trị trở thành giới tuyến quân sự tạm thời và thống nhất tổng tuyển cử tự do sau hai năm. Song Mỹ từng bước thế chân Pháp với ý đồ biến miền Nam thành phòng tuyến ngăn chặn, đẩy lùi chủ nghĩa cộng sản ở Đông Nam Á.
"Mỹ không tham dự vào những quyết định của Hội nghị Geneve và không bị ràng buộc vào những quyết định ấy", Tổng thống đời thứ 34 của nước Mỹ Eisenhower tuyên bố, cho rằng một chiến thắng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẽ gây ra sụp đổ phần còn lại của Đông Nam Á như phản ứng dây chuyền Domino.
Ảnh trái, Ngoại trưởng Mỹ John Foster Dulles bay đến Paris gặp Ngoại trưởng Anh Anthony Eden và Thủ tướng Pháp Pierre Mendes France tháng 7/1954 để nói về ý đồ của Mỹ. 20 ngày sau khi Hiệp định Geveve được ký kết, Đô đốc Mỹ Sabin đến Hà Nội cùng tướng tình báo Edward Lansdale thực hiện kế hoạch tuyên truyền kích động hơn một triệu người từ miền Bắc di cư vào Nam (ảnh phải).
Tháng 2/1955, Mỹ trực tiếp viện trợ tài chính, quân sự cho chính quyền miền Nam không thông qua Pháp, mục tiêu "xây dựng cho miền Nam Việt Nam một quân đội mà 90% được trang bị bằng vũ khí Mỹ".
Quyết tâm "Tổ quốc không thể chia đôi", nhân dân hai miền mít tinh, biểu tình phản đối Ngô Đình Diệm tuyển cử riêng rẽ vào đầu năm 1956. Đấu tranh giai đoạn này chủ yếu bằng biện pháp hòa bình yêu cầu thực thi Hiệp định. Tới Nghị quyết Trung ương khóa II năm 1959 xác định "Miền Bắc xã hội chủ nghĩa là cơ sở vững chắc của phong trào cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam".
Để nối thông liên lạc, đưa bộ đội, cán bộ vào Nam ra Bắc theo yêu cầu chiến trường, tuyến đường đặc biệt xuyên dãy Trường Sơn dần hình thành từ mùa hè 1959. Đoàn công tác quân sự đặc biệt (Đoàn 559) nhận nhiệm vụ mở đường. Từ lối mòn dần thành mạng lưới "bát quái" với 26 trục dọc ngang, xuyên ba nước Đông Dương, con đường đưa hơn 2 triệu bộ đội vào Nam ra Bắc. Trường Sơn đã trở thành chiến trường đúng nghĩa khi hứng chịu 4 triệu tấn bom Mỹ rải xuống trong chiến tranh. Ảnh trên là một đoạn cung đường Trường Sơn.
Không ảnh một trong 16.000 "ấp chiến lược" ở miền Nam, nơi người Mỹ cố vấn cho chính quyền Ngô Đình Diệm lập nên nhằm kiểm soát, chống phong trào nổi dậy và chiến tranh du kích của nhân dân miền Nam.
USS Maddox (DD 731), một trong hai khu trục liên quan sự kiện vịnh Bắc Bộ ngày 2-4/8/1964 do Mỹ dựng lên. Nghị quyết vịnh Bắc Bộ ngày 10/8/1964 được Quốc hội Mỹ thông qua ba ngày trước đó trao quyền cho Tổng thống Johnson tiến hành các hành động quân sự ở Đông Nam Á mà không cần tuyên chiến - cơ sở để Mỹ trực tiếp tham chiến ở miền Nam và thực hiện chiến tranh phá hoại miền Bắc.
3.500 quân viễn chinh Mỹ đổ bộ bãi biển Xuân Thiều, Đà Nẵng ngày 8/3/1965 đánh dấu cho hành động trực tiếp tham chiến. Trải qua các chiến lược chiến tranh đặc biệt, cục bộ, quân đội, vũ khí Mỹ không ngừng đổ vào miền Nam.
Ảnh tư liệu máy bay Mỹ ném bom miền Bắc trong chiến tranh phá hoại nhằm cắt đứt chi viện của hậu phương cho chiến trường miền Nam. Quân dân miền Bắc với trận đọ sức 12 ngày đêm trên bầu trời Hà Nội 18-29/12/1972 đã tạo nên một "Điện Biên Phủ trên không", mở ra bước ngoặt trên bàn đàm phán tại Hội nghị Paris.
Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký ngày 27/1/1973 giữa bốn bên Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mỹ, Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa. Đây là một trong những cuộc thương thuyết kéo dài nhất lịch sử với 4 năm 8 tháng 16 ngày, qua 201 phiên họp công khai, 45 cuộc gặp riêng cấp cao, 24 cuộc họp bí mật. Mỹ phải rút hết quân khỏi miền Nam - tiền đề để hai năm sau tiến tới giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Ảnh trên là Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình và Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Nguyễn Duy Trinh tại lễ ký kết Hiệp định Paris năm 1973.
Đấu tranh chính trị tại các thành thị miền Nam yêu cầu quân Mỹ và Việt Nam Cộng hòa thực hiện quyền tự do dân chủ như Hiệp định Paris quy định, năm 1973.
Đầu năm 1975, Bộ Chính trị quyết định mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân trong 55 ngày. Với nhịp độ "một ngày bằng 20 năm", tiến công trải qua hàng loạt chiến dịch, mở màn bằng Tây Nguyên (4/3-3/4) làm chủ vùng này và phát triển xuống các tỉnh ven biển Nam Trung Bộ; chiến dịch Trị Thiên - Huế - Đà Nẵng ngày 5 -29/3 lần lượt giải phóng các vùng Trị Thiên, Huế, Đà Nẵng...
Trong ảnh, đại tướng Võ Nguyên Giáp chủ trì Hội nghị Thường trực Quân ủy Trung ương quyết định mở chiến dịch ở Nam Tây Nguyên, mục tiêu chủ yếu giành lấy Buôn Ma Thuột, tháng 1/1975.
Xuân Lộc - "cánh cửa thép" phòng thủ Sài Gòn từ hướng đông bắc bị chọc thủng ngày 21/4/1975 (ảnh trái). Mất Xuân Lộc, cùng ngày, Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu từ chức (ảnh phải).
Thời khắc lịch sử - Khúc khải hoàn ghi lại hình ảnh Sài Gòn những ngày cuối tháng 4/1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - trận quyết chiến chiến lược cuối cùng ngày 26-30/4, quân Giải phóng siết vòng vây và cô lập Sài Gòn, tiêu diệt từng mục tiêu vòng ngoài. 5 hướng tổng công kích đô thành, đánh chiếm các mục tiêu chủ chốt như Bộ Quốc phòng Việt Nam Cộng hòa, Hạ nghị viện Sài Gòn…
11h30 ngày 30/4/1975, quân Giải phóng chiếm dinh Độc Lập, bắt nội các, Tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Khi các cánh quân trên đất liền ồ ạt tiến về Sài Gòn, đặc công hải quân nhận lệnh giải phóng quần đảo Trường Sa trong tay quân đội Việt Nam Cộng hòa, bởi "nếu chậm, có thể quân đội nước ngoài xâm chiếm trước".
Đường phố Sài Gòn qua ống kính Jacques Pavlovskky, nhiếp ảnh gia người Pháp. Thanh thiếu niên ngồi trên nóc xe tải vẫy cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.
Ngày đoàn viên có cả nụ cười và nước mắt. Ảnh tư liệu trái, đại tướng Võ Nguyên Giáp và đại tướng Văn Tiến Dũng gặp nhau tại Sài Gòn sau ngày thống nhất, tháng 5/1975.
Ngày hội ngộ - ảnh bên phải của phóng viên chiến trường Lâm Hồng Long (TTXVN) ghi lại thời khắc tử tù cách mạng Lê Văn Thức gặp lại mẹ tại căn cứ Rạch Dừa (Vũng Tàu) sau khi trở về từ trại giam Côn Đảo, ngày 5/5/1975.
"Hôm đó khoảng 9 -10h sáng, có người gọi tôi ra gặp thân nhân. Vừa bước ra, tôi sững người, đôi mắt như nhòa đi khi thấy người đàn bà khắc khổ mặc bộ bà ba màu đen đang dáo dác tìm. Mẹ! Khi đó tôi chỉ biết lao đến ôm chầm lấy bà. Sau bao năm cách biệt, tưởng không còn cơ hội gặp lại, mẹ con mừng quá chỉ ôm nhau khóc", trích hồi ức ông Lê Văn Thức.
Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam trao tặng bộ phim tài liệu “Victory Vietnam” (Chiến thắng của Việt Nam) cho Viện phim...