Chia sẻ

Tình thế của Ukraine nếu Mỹ công nhận Crimea là lãnh thổ Nga

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Viễn cảnh Mỹ chính thức công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga đang đặt Ukraine vào thế không còn lựa chọn nào khả dĩ, giữa lúc cuộc xung đột Nga – Ukraine bước vào giai đoạn khó khăn.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang có bất đồng sâu sắc với ông Trump. Ảnh: EPA-EFE.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đang có bất đồng sâu sắc với ông Trump. Ảnh: EPA-EFE.

“Lằn ranh đỏ” từ Washington

Theo tờ Kyiv Independent, một đề xuất từ Nhà Trắng – được cho là bao gồm việc công nhận bán đảo Crimea là lãnh thổ Nga – đang khiến Kiev rơi vào tình thế tiến thoái lưỡng nan. Đề xuất này, nếu trở thành hiện thực, sẽ đánh dấu sự kết thúc của hơn một thập kỷ đồng thuận giữa hai đảng tại Mỹ trong việc không công nhận Nga sáp nhập Crimea.

“Nếu Mỹ vi phạm Tuyên bố Crimea mà chính họ đưa ra năm 2018, họ sẽ trở thành đối tác không đáng tin cậy trên toàn cầu”, nghị sĩ Ukraine Volodymyr Ariev cảnh báo.

Rào cản pháp lý

Một trong những trở ngại lớn nhất với bất kỳ thỏa thuận nào công nhận Crimea là của Nga chính là hiến pháp Ukraine: bán đảo này là phần lãnh thổ không thể tách rời. Chính phủ không thể thông qua bất kỳ đạo luật nào trái với hiến pháp, và hiến pháp cũng không thể bị sửa đổi trong thời kỳ thiết quân luật, theo tờ Kyiv Independent.

Giải pháp duy nhất về mặt pháp lý là trưng cầu dân ý – điều có thể là “con dao hai lưỡi”. Sau hơn 3 năm xung đột, ngày càng nhiều bộ phận người dân Ukraine muốn nhanh chóng khôi phục hòa bình, kể cả khi quốc gia có thể phải nhượng bộ lãnh thổ.

“Không chính phủ nào của Ukraine có thể công nhận Crimea là lãnh thổ Nga”, nghị sĩ Halyna Yanchenko tuyên bố. “Thỏa thuận như vậy sẽ thổi bùng bất ổn trong nước và chắc chắn sẽ bị Quốc hội bác bỏ”.

Ukraine còn lựa chọn nào khả thi?

Chuyên gia chính trị Yevhen Magda ở Kiev cho rằng, Ukraine cần thuyết phục Mỹ từ bỏ ý định công nhận Crimea. Ukraine đang đứng trước nguy cơ một lần nữa bị chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump cắt viện trợ quân sự và thông tin tình báo. Do đó, ông Zelensky cần tìm cách thuyết phục ông Trump về một giải pháp khả dĩ mà Kiev có thể chấp nhận.

Ian Garner, nhà nghiên cứu tại Viện Pilecki (Ba Lan), đồng tình rằng Ukraine cần tiếp tục vận động Mỹ quay lại ủng hộ Kiev đồng thời chuẩn bị cho khả năng Mỹ không chỉ rút lui khỏi vai trò trung gian hòa giải, mà còn gián tiếp giúp Nga đạt được các mục tiêu.

Phó Tổng thống Mỹ JD Vance ngày 23/4 xác nhận Mỹ đã đưa ra “đề xuất rất cụ thể” cho cả Kiev và Moscow, đồng thời cảnh báo rằng nếu hai bên không đồng thuận, Washington sẽ rút lui khỏi tiến trình hòa bình.

Theo giới quan sát, Ukraine có thể sẽ là bên bị đổ lỗi cho thất bại của đàm phán. Điều này giúp Nga có thể tiếp tục xung đột còn Mỹ rút viện trợ.

Nếu Mỹ rút lui, Ukraine sẽ dựa vào đâu?

Nếu Washington rút lui, Ukraine sẽ mất nguồn viện trợ quân sự chính, buộc phải trông cậy vào châu Âu – nơi vẫn đang chậm chạp trong việc tăng cường năng lực quốc phòng.

Hiện Ukraine chỉ tự sản xuất được khoảng 30% nhu cầu vũ khí, theo ông Zelensky. Dù đã ổn định phần nào mặt trận phía đông, quân đội Ukraine vẫn đối mặt với nhiều thách thức lớn về nhân lực và tiếp tế.

“Ukraine phải tự dựa vào chính mình”, nhà nghiên cứu Ian Garner nói. “Giữ vững phòng tuyến là khả thi, nhưng sẽ phải hi sinh rất nhiều”.

Trong lúc chờ đợi viện trợ, ông Garner nhấn mạnh Ukraine cần tiếp tục cải cách, hội nhập châu Âu, và chống tham nhũng. “Chừng nào người dân Ukraine còn lựa chọn con đường châu Âu tự do, họ sẽ không bao giờ chấp nhận lãnh thổ bị Nga kiểm soát”.

Trong khi ông Trump công kích dữ dội Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Nhà Trắng cho rằng ông Zelensky đang làm...

Theo Đăng Nguyễn - Kyiv Independent ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Xung đột Nga - Ukraine

Xem Thêm