Chia sẻ

Lần đầu tiên ghi hình được mực khổng lồ còn sống trong tự nhiên

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Một cá thể mực khổng lồ Mesonychoteuthis hamiltoni, loài động vật không xương sống nặng nhất trên Trái Đất, được ghi hình khi đang bơi lội trong môi trường tự nhiên.

Đây là lần đầu tiên trong hơn 100 năm kể từ khi loài này được phát hiện, con mực được nhìn thấy còn sống dưới biển sâu.

Hình ảnh quý giá này được ghi lại gần quần đảo quần đảo South Sandwich, thuộc vùng biển phía nam Đại Tây Dương. Dù chỉ là một con mới lớn dài khoảng 30cm, sinh vật này là phiên bản tí hon của một trong những loài sinh vật biển kỳ bí và to lớn nhất hành tinh, khi trưởng thành, chúng có thể dài tới 7m và nặng nửa tấn.

Lần đầu tiên quan sát trực tiếp được loài mực khổng lồ Mesonychoteuthis hamiltoni. (Nguồn: Viện Hải dương Schmidt)

Đoạn video được nhóm các nhà khoa học quốc tế quay trong hành trình nghiên cứu kéo dài 35 ngày trên tàu Falkor, thuộc Viện Hải dương Schmidt (Mỹ). Họ sử dụng phương tiện điều khiển từ xa mang tên SuBastian để khám phá các tầng biển sâu, nơi ánh sáng không thể chạm tới và sự sống vẫn còn là điều bí ẩn.

Trong video, con mực đang phát triển với cơ thể gần như trong suốt đang nhẹ nhàng di chuyển bằng 8 xúc tu. Các nhà khoa học phải mất nhiều ngày để xác minh chắc chắn danh tính của sinh vật này, bởi nó có hình dạng tương đồng với nhiều loài mực thủy tinh khác. Chi tiết giúp nhận diện là móc nhọn đặc trưng ở đầu xúc tu, đặc điểm riêng có của Mesonychoteuthis hamiltoni.

Tiến sĩ Kat Bolstad, nhà nghiên cứu thuộc Đại học Công nghệ Auckland (New Zealand) chia sẻ cảm xúc khi xem lại đoạn phim: "Thật kỳ diệu khi được chứng kiến cảnh quay đầu tiên của một cá thể mực khổng lồ còn non trong môi trường sống tự nhiên của nó. Thật khiêm nhường khi nghĩ rằng những sinh vật khổng lồ này có thể sống cả đời mà không hề biết đến sự tồn tại của con người".

Trong suốt thế kỷ qua, Mesonychoteuthis hamiltoni, còn được gọi là "mực thủy tinh Nam Cực", chỉ từng được phát hiện qua xác chết trong dạ dày cá voi hoặc chim biển. Một vài cá thể trưởng thành đã từng mắc vào lưới đánh cá, nhưng chưa ai từng bắt gặp chúng còn sống dưới đại dương.

Điều khiến loài này thêm phần kỳ bí là vòng đời và tập tính sinh học của chúng gần như vẫn là ẩn số. Khi trưởng thành, chúng mất đi lớp cơ thể trong suốt, thay vào đó là một lớp da dày, sẫm màu để thích nghi với môi trường sâu thẳm.

Cuộc thám hiểm ghi lại phát hiện lịch sử này là nỗ lực hợp tác giữa Viện Hải dương Schmidt, tổ chức Nippon Foundation, Nekton Ocean Census, cùng với dự án GoSouth, liên kết giữa Đại học Plymouth (Anh), Trung tâm Nghiên cứu Đại dương Geomar Helmholtz (Đức) và Cục Khảo sát Nam Cực của Anh.

Năm 2025 cũng đánh dấu tròn 100 năm kể từ khi loài mực khổng lồ này chính thức được khoa học thế giới xác nhận và đặt tên.

Một con mực khổng lồ được tìm thấy trôi dạt vào bờ biển Ugu ở tỉnh Fukui, Nhật Bản vào lúc 10 giờ sáng ngày 20.4.

Theo Xuân Minh - Guardian, CNN ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thế giới động vật

Xem Thêm