Vụ sản xuất gần 600 loại sữa bột giả: Người nổi tiếng quảng cáo sữa bột giả có công dụng như "thần dược", không thể "né" trách nhiệm
Theo luật sư, ngay cả trong trường hợp không chứng minh được yếu tố đồng phạm, người tham gia quảng cáo gian dối vẫn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 16/4, thông tin tới phóng viên, TS. Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp cho biết, một trong những thủ đoạn tinh vi của đường dây sản xuất gần 600 loại sữa bột giả chính là tận dụng sức ảnh hưởng của các nhân vật nổi tiếng trên mạng xã hội để "thổi phồng" công dụng sản phẩm.
Những lời quảng cáo như rót mật vào tai, biến sữa bột thành "thần dược" có thể chữa bệnh, giúp trẻ cao lớn, người già khỏe mạnh… đã khiến hàng ngàn người tiêu dùng mù quáng tin theo.
Theo Luật sư Cường, việc điều tra vụ án không chỉ dừng ở các đối tượng sản xuất, buôn bán, mà còn cần mở rộng làm rõ vai trò của những cá nhân tham gia quảng bá, tiếp thị, đặc biệt là các KOL – người có ảnh hưởng – nếu họ biết đó là hàng giả mà vẫn tiếp tay vì lợi nhuận, hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với vai trò đồng phạm.
Nhờ hình ảnh từ người nổi tiếng, những lời quảng cáo như rót mật vào tai, biến sữa bột thành "thần dược" có thể chữa bệnh, giúp trẻ cao lớn, người già khỏe mạnh… đã khiến hàng ngàn người tiêu dùng mù quáng tin theo.
Thậm chí, ngay cả trong trường hợp không chứng minh được yếu tố đồng phạm, người tham gia quảng cáo gian dối vẫn có thể bị xử phạt hành chính, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Theo Luật sư Đặng Văn Cường, trong quá trình điều tra vụ án, cơ quan điều tra sẽ làm rõ hành vi quảng cáo sai sự thật, quảng cáo gian dối và xử lý đối với những người đã tiếp tay cho các hoạt động bán hàng giả này để xử lý theo quy định của pháp luật.
Hành vi quảng cáo gian dối, vi phạm luật quảng cáo là hành vi vi phạm pháp luật. Tùy vào tính chất, mức độ của hành vi vi phạm, tùy thuộc vào hậu quả xảy ra mà người thực hiện hành vi quảng cáo gian dối sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Luật sư Cường cảnh báo, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức. Nó phơi bày những lỗ hổng lớn trong quản lý hoạt động tiếp thị sản phẩm y tế và dinh dưỡng. Đã đến lúc cần bổ sung, siết chặt các quy định pháp luật về quảng cáo, kiểm nghiệm đầu ra sản phẩm thực phẩm, thuốc, sữa... để bảo vệ sức khỏe nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng.
Sản xuất gần 600 loại sữa bột giả không chỉ là hành vi gian thương thông thường – đó là tội ác có tổ chức, có hệ thống, nhắm vào những nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất như trẻ sơ sinh, người bệnh và phụ nữ mang thai. Hành vi này có thể bị xử lý tới mức án cao nhất là tù chung thân, theo quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự.
Đây là một loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm, gây hậu quả khôn lường về sức khỏe và tính mạng cho người tiêu dùng. Không chỉ gây thiệt hại kinh tế, nó xâm phạm trực tiếp đến đạo lý xã hội và sự tử tế tối thiểu trong kinh doanh thực phẩm.
Theo luật, người sản xuất – buôn bán hàng giả là thực phẩm có thể bị phạt tù từ 2 - 5 năm, nhưng nếu thu lợi bất chính trên 1,5 tỷ đồng hoặc gây hậu quả tương đương, thì khung hình phạt sẽ là 15 - 20 năm tù, thậm chí tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn đối diện nguy cơ bị phạt tiền, cấm hành nghề, tịch thu tài sản hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn đối với pháp nhân.
Đặc biệt, với hành vi vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng, các bị can còn có thể đối diện mức án tới 20 năm tù, theo Điều 221 Bộ luật Hình sự. Đó là chưa kể đến trách nhiệm dân sự khi người tiêu dùng khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Khi danh sách 573 loại sữa giả bị phanh phui, chị Hoàng Thu Liên, 33 tuổi, chết lặng vì thấy có loại sữa con đang uống...