Loại lá cây chỉ có duy nhất ở Việt Nam, được ví như "báu vật", giá tới 150 triệu đồng/kg
Đây được coi là một loại dược liệu có giá trị chữa bệnh rất cao. Loại lá sấy lạnh được bán trên thị trường với giá lên tới 150 triệu đồng/kg.
Sâm Ngọc Linh chỉ mọc duy nhất tại vùng núi Ngọc Linh, ở độ cao trên 2.000m, thuộc địa phận 2 tỉnh Kon Tum và Quảng Nam.
Với sự quý hiếm và giá trị dược liệu, sâm Ngọc Linh được ví như "báu vật" và chỉ có duy nhất ở Việt Nam.
Lá sâm Ngọc Linh thường thu vào tháng 11 đến tháng 12 dương lịch. Đây là khoảng thời gian đã thu hoạch xong hạt nên người dân sẽ thu hoạch lá để nuôi củ mới rồi cho chúng ngủ đông sớm.
Một số vườn khác không cắt lá, sau khi thu hoạch củ, lá tự rụng, người ta đem lá tươi đó đi phơi khô lần nữa, rồi trữ dùng dần.
Lá sâm Ngọc Linh có màu xanh đậm, chỉ bắt đầu mọc từ phía trên đỉnh của cây sâm Ngọc Linh.
Đây là dạng lá kép hình chân vịt, các phiến lá không mọc trực tiếp từ cây mà 5 lá nhỏ sẽ liên kết với cây bằng 2 đoạn cuống lá. Các lá kép thường mọc vòng, độ dài lá từ 7 đến 12 cm.
Giá bán của lá sâm Ngọc Linh tươi dao động từ khoảng 8 đến 10 triệu/kg. Lá sâm Ngọc Linh sấy lạnh lên tới 150 triệu đồng/kg.
Trên thị trường có nhiều địa chỉ rao bán lá sâm Ngọc Linh với giá rẻ, thực chất đó là lá sâm Trung Quốc hay Lai Châu. Loại lá này nhọn, dài, cọng to đều nhau, bông sâm vẫn còn trên lá.
Trong lá sâm Ngọc Linh cũng tìm thấy 16 loại saponin nên đây được coi là một loại dược liệu có giá trị chữa bệnh rất cao. Có 2 cách để sử dụng lá sâm Ngọc Linh phổ biến nhất, đó là ngâm rượu và hãm nước uống.
Theo thống kê, Kon Tum là tỉnh có diện tích sâm Ngọc Linh lớn nhất nước. Mỗi năm, Kon Tum có khả năng cung ứng hơn 1 triệu cây giống cho người dân.