Chia sẻ

Chủ tịch EVN: Nếu không có yếu tố bất thường, có thể yên tâm về cung ứng điện

0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Ông Đặng Hoàng An cho biết, EVN đang đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng điện, bao gồm các công trình nguồn được giao trong Quy hoạch điện VIII và các công trình lưới điện.

Đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng điện

Phát biểu tại hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp Nhà nước sáng 15/4, ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, năm 2025 tập đoàn xây dựng kịch bản tăng trưởng từ 11-13%.

"Với các tính toán hiện nay, sau quý I/2025 có thể yên tâm về cung ứng điện, nếu không có các yếu tố quá bất thường, rủi ro", ông An nói.

Ông An cũng cho biết, EVN tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào hạ tầng điện, bao gồm các công trình nguồn được giao trong Quy hoạch điện VIII và các công trình lưới điện.

"Nhiều năm nay, EVN luôn là doanh nghiệp Nhà nước đầu tư lớn nhất trong các tập đoàn, tổng công ty vốn Nhà nước. Năm 2023, chúng tôi đầu tư được 84.000 tỷ đồng. Năm 2024, chúng tôi đã giải ngân 112.892 tỷ đồng, đã hoàn thành Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng 360 MW và đóng điện 216 công trình, khởi công 102 công trình cấp từ 110 kV đến 500 kV. Năm nay vẫn tiếp tục duy trì mục tiêu cao, tổng khối lượng đầu tư khoảng 110.000 tỷ đồng", Chủ tịch EVN cho hay.

Ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ảnh: VGP).

Ông Đặng Hoàng An - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Ảnh: VGP).

Chủ tịch EVN cũng so sánh năm 2024, EVN đầu tư chiếm 70,56% tổng đầu tư của 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước. Dẫn báo cáo Bộ Tài chính, ông An cho biết năm 2024, 19 tập đoàn, tổng công ty Nhà nước đầu tư 160.000 tỷ đồng, riêng EVN là 112.892 tỷ đồng.

"Chúng tôi coi đây là nhiệm vụ rất quan trọng để đảm bảo cung ứng điện cho các địa phương", ông An nói thêm.

Về ứng dụng chuyển đổi số, Chủ tịch EVN cho biết đã triển khai chương trình chuyển đổi số từ nhiều năm nay.

"Chúng tôi có thuận lợi là hệ thống cáp quang rộng khắp, kết nối đến tất cả các đơn vị cấp huyện trên cả nước. Hiện nay, tất cả các trạm biến áp từ 110 kV và 220 kV đã chuyển sang không người trực hoàn toàn, đạt trên 97%. Năm nay, sẽ hoàn thành 100% trạm biến áp 220 kV và 110 kV không người trực hoàn toàn. Chúng tôi cũng đang chuyển các trạm 500 kV (35 trạm) sang chế độ không người trực", ông An chia sẻ.

Ông cũng cho biết, thời gian tới, sẽ chuyển dần sang áp dụng AI trong công nghệ chẩn đoán, phục vụ sửa chữa bảo dưỡng nhà máy điện và lưới điện. Đây là mục tiêu rất quan trọng.

Nhờ chuyển đổi số, khách hàng không phải đến gặp điện lực

Đối với hệ thống quản trị, ông An cho biết EVN đã có đầy đủ các hệ thống quản trị gồm quản trị doanh nghiệp, quản lý khách hàng, quản lý tài chính, vật tư... với khoảng 36 hệ thống hoạt động hoàn toàn trên môi trường số. 100% dịch vụ điện đối với khách hàng được cung cấp trực tuyến cấp độ 4, hoàn toàn không cần giao tiếp.

Năm 2024, chúng tôi đã tiếp nhận 3,78 triệu yêu cầu dịch vụ, 100% thực hiện trên môi trường số, chỉ có khoảng 355 yêu cầu tiếp nhận trực tiếp tại quầy giao dịch, khách hàng cơ bản không phải đến gặp điện lực. 99,15% hợp đồng điện được ký số, tiết kiệm khoảng 13,5 triệu trang giấy hằng năm. 99,4% tiền điện được thanh toán không dùng tiền mặt.

"Việc này ước tính tiết kiệm khoảng 13.000 nhân công. Chúng tôi xác định đây là con đường phải tiếp tục làm như vậy. 99,5% số giao dịch của tập đoàn được thực hiện trên môi trường số", ông nói.

Chủ tịch EVN cho biết, nhờ chuyển đổi số, khách hàng cơ bản không phải đến gặp điện lực (Ảnh: PT).

Chủ tịch EVN cho biết, nhờ chuyển đổi số, khách hàng cơ bản không phải đến gặp điện lực (Ảnh: PT).

Chủ tịch EVN cũng cho biết hiện Việt Nam đang đứng thứ 27/190 quốc gia tiếp cận điện năng và nằm trong top 4 ASEAN. Năm 2024, EVN được ghi nhận là doanh nghiệp chuyển đổi số mức độ 4. Chúng tôi đang phấn đấu năm nay mức độ 5.

"Việt Nam là nước duy nhất ở Đông Nam Á chế tạo thành công máy biến áp 500 kV. Chúng tôi đang yêu cầu mở rộng sang chế tạo các thiết bị khác của hệ thống điện như kháng điện, tụ, các hệ thống lưới điện áp, biến dòng... EVN có công ty chế tạo máy biến áp sẽ mở rộng danh mục sản phẩm trong năm nay và các năm tới. Chúng tôi đang cố gắng nội địa hóa sản xuất trong nước để thay thế nhập khẩu", ông An nói thêm.

Ông An cũng nói rằng, phần khó nhất trong chuyển đổi số hiện nay là cải tiến quy trình nội bộ. Quý I công ty bãi bỏ các quy trình cũ, xây dựng quy trình mới, coi như là "đập đi xây lại".

"Đối với chuyển đổi số, quan trọng nhất là thay đổi phương thức làm việc. Để thúc đẩy chuyển đổi số hiệu quả, cần tăng cường sự phối hợp giữa các doanh nghiệp. Hiện EVN tự phát triển là chính, cũng có phối hợp với một số tập đoàn, nhưng rất mong các tập đoàn, doanh nghiệp công nghệ thông tin có nhiều sản phẩm, giải pháp hơn nữa phục vụ quản trị của các doanh nghiệp", Chủ tịch EVN Đặng Hoàng An nói.

Giá bán lẻ điện bình quân đã được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không bù đắp được chi phí sản xuất điện, Tập đoàn Điện...

Theo Nguyễn Thu Huyền ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Thông tin thị trường

Xem Thêm