Nốt ruồi mọc ở 3 vị trí này có liên quan mật thiết đến ung thư, cần đi khám ngay
Ông Lý đã trải qua một cuộc chiến với u hắc tố ác tính sau khi phát hiện nốt đen trên bàn chân.
Trang Aboluowang đưa tin, ông Lý (75 tuổi) sống ở Trung Quốc gần đây phát hiện một nốt đen nhỏ trên bàn chân bỗng dưng to dần. Từ cỡ hạt đậu xanh, nốt ruồi ấy phồng lên to bằng hạt đậu nành, lại còn rỉ dịch bất thường, vùng da quanh đó như bị hoại tử.
Gia đình lập tức đưa ông đến bệnh viện, kết quả chẩn đoán khiến ai nấy giật mình: ác tính – u hắc tố (melanoma). May mắn thay, chưa di căn nên sau phẫu thuật, ông đã hồi phục và xuất viện.
Trường hợp như ông Lý không hề hiếm. Nhiều người khi thấy nốt ruồi thay đổi màu sắc, to lên hoặc rỉ dịch lại chủ quan. Chỉ đến khi ảnh hưởng sinh hoạt, họ mới tìm đến bác sĩ và nhiều khi đã quá muộn.
Cảnh giác với nốt ruồi nguy hiểm
Nốt ruồi là khối u lành tính của tế bào sắc tố, phần lớn không gây hại. Nhưng u hắc tố ác tính (melanoma) thì khác. Đây là một trong những loại ung thư da nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong cao nhất.
Theo thống kê, tại Trung Quốc, tỷ lệ mắc u hắc tố đã tăng 110% trong gần 3 thập kỷ. Ở Mỹ, năm 2017, 72% số ca tử vong do ung thư da là từ u hắc tố. Ngay cả khi phát hiện sớm, 70–80% bệnh nhân đã bị di căn, và tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ khoảng 4,6%.
Muốn kiểm tra nốt ruồi có đáng ngại không, hãy nhớ nguyên tắc ABCDE:
- A là Asymmetry – Không đối xứng
Nốt ruồi lành tính thường có hình tròn hoặc hình bầu dục đối xứng, trong khi đó u hắc tố ác tính lại thường có đặc điểm không đối xứng.
- B là Border – Ranh giới
Nốt ruồi lành tính có ranh giới rõ ràng so với vùng da xung quanh, còn u hắc tố ác tính thì thường có viền mờ nhạt, không rõ ràng hoặc có hình dạng viền không đều.
- C là Color – Màu sắc
Nốt ruồi lành tính thường có màu sắc đồng đều, trong khi u hắc tố ác tính có thể có màu sắc không đều, đa dạng như đỏ, trắng hoặc đen nhạt,…
- D là Diameter – Đường kính
Nốt ruồi lành tính thường có đường kính nhỏ, trừ một số loại bẩm sinh có thể to hơn. Còn u hắc tố ác tính thì thường có đường kính lớn hơn nhiều, thậm chí có thể to lên nhanh chóng trong thời gian ngắn.
- E là Evolution – Sự thay đổi
Những nốt ruồi đột ngột to lên hoặc thay đổi hình dạng trong thời gian ngắn đều cần đặc biệt lưu ý vì có khả năng là ác tính.
3 vị trí mọc nốt ruồi đặc biệt dễ biến chứng
1. Vùng hay bị ma sát
Tay, chân, nách, lòng bàn chân, dưới ngực... thường xuyên bị cọ xát. Nốt ruồi tại đây dễ bị kích ứng, chấn thương nhỏ nhiều lần dẫn tới biến đổi ác tính.
2. Vùng thường tiếp xúc nắng
Tia UV là “kẻ thù” của da. Những nốt ruồi lộ thiên không được che chắn kỹ sẽ bị tổn thương và có nguy cơ ung thư cao hơn.
3. Vùng từng bị chấn thương
Những vùng da từng bị va đập, đâm, đè, bóp mạnh… dễ bị rối loạn sắc tố. Nếu xuất hiện nốt đen sau đó, nên theo dõi kỹ.
Cẩn thận với “nốt ruồi đỏ”
Không chỉ nốt đen mới đáng lo. Nhiều người cao tuổi xuất hiện những nốt đỏ nhỏ như đầu tăm, màu đỏ tươi hoặc đỏ anh đào, đây là u mạch máu (thường lành tính).
Tuy nhiên, nếu thấy nốt đỏ kèm tia máu tỏa ra như mạng nhện, ấn vào trung tâm thấy nhạt màu, thì rất có thể là nốt ruồi nhện (spider nevus), dấu hiệu cảnh báo gan đang bị tổn thương nghiêm trọng.
60% bệnh nhân xơ gan từng xuất hiện nốt ruồi nhện trước khi được chẩn đoán. Ngoài ra, tình trạng này cũng có thể gặp ở phụ nữ mang thai hoặc trẻ đang dậy thì, nhưng sẽ biến mất khi nội tiết ổn định. Nếu thấy nốt đỏ lan nhanh, mọc nhiều bất thường, cần đi khám gan ngay.
Hầu hết nốt ruồi là lành tính nhưng nếu có biến đổi về kích thước, màu sắc, rỉ dịch hoặc chảy máu, đừng chần chừ hãy đến gặp bác sĩ chuyên khoa. Phát hiện sớm chính là “chìa khóa vàng” để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của chính mình.