Hội chứng thận hư: Căn bệnh ‘lặng lẽ’ có thể gây tử vong
Hội chứng thận hư là một bệnh lý mạn tính có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Thạc sĩ, bác sĩ nội trú Đào Thị Thu – Bệnh viện Bạch Mai đã có những chia sẻ cụ thể về nguyên tắc điều trị, các biến chứng nguy hiểm và lời khuyên cho bệnh nhân trong quá trình theo dõi bệnh.
Chẩn đoán đúng để điều trị hiệu quả
Theo ThS.BSNT Đào Thị Thu, điều đầu tiên và quan trọng nhất trong điều trị hội chứng thận hư là xác định rõ nguyên nhân: “Cần phân biệt hội chứng thận hư nguyên phát hay thứ phát để quyết định có điều trị đặc hiệu bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch hay không. Đồng thời, phải đảm bảo cân bằng giữa lợi ích điều trị và tác dụng phụ của thuốc”.
Bác sĩ cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tư vấn và giáo dục bệnh nhân trong suốt quá trình điều trị. “Việc lựa chọn phác đồ phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân chỉ là một phần, điều quan trọng không kém là giúp bệnh nhân hiểu về bệnh và tuân thủ điều trị lâu dài”.
Phù là biểu hiện thường gặp và rõ nhất, thường xuất hiện ở mặt (như mí mắt sưng) vào buổi sáng, sau đó lan xuống chân. Phù tiến triển nhanh, trường hợp nặng có thể gây tràn dịch đa màng như tràn dịch ổ bụng, màng phổi, màng tim. Ngoài ra, bệnh nhân có thể tiểu ít, nước tiểu nhiều bọt do protein niệu cao, một số bệnh nhân có thể tiểu máu. Khi thấy các dấu hiệu này, cần đến cơ sở y tế ngay để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
"Quan trọng nhất là cần xác định hội chứng thận hư nguyên phát hay thứ phát để quyết định có điều trị đặc hiệu bằng các liệu pháp ức chế miễn dịch hay không? Đảm bảo cân bằng giữa lợi ích điều trị và tác dụng phụ của thuốc. Bên cạnh lựa chọn phác đồ phù hợp cho từng đối tượng bệnh nhân thì việc giáo dục tư vấn cho bệnh nhân cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng", bác sĩ Thu nói.
Những biến chứng có thể đe dọa tính mạng
Ngoài nguy cơ tái phát, hội chứng thận hư có thể gây ra nhiều biến chứng nghiêm trọng. Bác sĩ Thu cho biết: “Nếu không kiểm soát tốt, bệnh có thể dẫn đến nhiễm trùng (viêm phổi, viêm mô tế bào, viêm phúc mạc tiên phát…), huyết khối (tắc mạch chi dưới, mạch phổi, mạch não…), suy thận cấp hoặc mạn, rối loạn điện giải, và cả những biến chứng do thuốc điều trị gây ra.”
Đặc biệt, biến chứng huyết khối là mối nguy lớn và thường bị bỏ qua. Cơ chế được bác sĩ lý giải như sau: “Khi bệnh nhân tiểu ra quá nhiều protein, albumin máu giảm khiến máu trở nên đặc hơn. Gan sẽ tăng sản xuất yếu tố đông máu và giảm chất chống đông tự nhiên như antithrombin III, tạo điều kiện cho cục máu đông hình thành.” Nếu cục máu đông di chuyển lên phổi, có thể gây tắc mạch phổi cấp – một tình trạng đe dọa tính mạng.
Chỉ số creatinin máu tăng trong hội chứng thận hư.
Để phòng ngừa, bác sĩ khuyến cáo: “Với bệnh nhân nguy cơ cao, cần dùng thuốc chống đông dự án phòng, đồng thời duy trì vận động nhẹ nhàng và uống đủ nước”.
Cẩn trọng với tác dụng phụ của corticoid
Corticoid là thuốc điều trị chủ lực trong nhiều trường hợp hội chứng thận hư, song việc sử dụng kéo dài có thể gây ra nhiều tác dụng phụ: tăng huyết áp, đái tháo đường, loãng xương, viêm loét dạ dày – tiêu hóa, hội chứng Cushing với đặc điểm mặt tròn, da mỏng, dễ bầm tím…
“Chúng tôi luôn cố gắng sử dụng liều thấp nhất có hiệu quả, kết hợp bổ sung canxi, vitamin D và thuốc bảo vệ dạ dày. Ngoài ra, việc theo dõi các dấu hiệu bất thường và hướng dẫn bệnh nhân nhận biết sớm biến chứng cũng rất quan trọng”, bác sĩ Thu cho biết thêm.
Lời khuyên để sống chung an toàn với bệnh
Theo ThS.BSNT Đào Thị Thu, bệnh nhân hội chứng thận hư cần: không tự ý ngưng thuốc kể cả khi thấy đỡ phù. Việc bỏ thuốc dễ dẫn đến tái phát nặng hơn; tái khám định kỳ: làm xét nghiệm trước khi hết thuốc để điều chỉnh kịp thời, không tự ý mua thuốc theo đơn cũ. Ngoài ra cần đảm bảo dinh dưỡng khoa học: Ăn đủ đạm (1–1,5g/kg/ngày), giảm muối, hạn chế đồ ngọt và chất béo xấu; tiêm phòng đầy đủ: Cúm mùa, phế cầu, viêm gan B giúp bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng – một biến chứng nguy hiểm của bệnh.
Thực tế, hội chứng thận hư cần điều trị lâu dài, bao gồm giai đoạn tấn công để đạt được đáp ứng hoàn toàn, sau đó là điều trị duy trì để đáp ứng ổn định, thời gian điều trị tùy thuộc vào đáp ứng của mỗi bệnh nhân. Việc tự ý dừng thuốc khiến tổn thương thận tiến triển trở lại, dẫn đến bệnh tái phát với nhiều các biến chứng nguy hiểm như tắc mạch, nhiễm trùng, thậm chí suy thận nặng cần phải lọc máu. Đây là sai lầm nguy hiểm mà chúng tôi luôn nhấn mạnh để bệnh nhân tránh mắc phải.
Theo bác sĩ Thu, bệnh nhân chỉ được coi là “khỏi bệnh” khi đã hoàn tất điều trị ức chế miễn dịch và duy trì protein niệu âm tính, albumin máu và chức năng thận ổn định trong ít nhất một năm. Tuy nhiên, người bệnh vẫn cần theo dõi lâu dài vì tỉ lệ tái phát cao.
“Ngay cả khi không còn phù, không bao giờ được tự ý ngưng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ”, bác sĩ nhấn mạnh.
Bệnh thận yếu ở nữ giới nếu không phát hiện và điều trị có thể tiến triển nặng, trường hợp nguy hiểm nhất là mất hoàn...