Chia sẻ

Hà Nội: Ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm, dịch sởi tiếp tục diễn biến phức tạp

Sự kiện: Sống khỏe
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Ngày 13/4, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết, trong tuần từ 4-11/4, thành phố ghi nhận một trường hợp mắc bệnh não mô cầu tại phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân.

Bệnh nhân là một bé trai 3 tháng tuổi, chưa được tiêm vắc xin phòng não mô cầu. Trẻ bắt đầu có biểu hiện bệnh từ ngày 29/3 với các triệu chứng sốt cao, quấy khóc, bú kém. Đến ngày 30/3, bệnh nhi được đưa vào Bệnh viện Nhi Trung ương. Kết quả xét nghiệm dịch não tủy cho thấy dương tính với vi khuẩn Neisseria meningitidis – tác nhân gây bệnh não mô cầu. Hiện sức khỏe bệnh nhi đã ổn định. Đây là ca bệnh não mô cầu đầu tiên tại Hà Nội trong năm 2025.

Theo các chuyên gia y tế, viêm màng não do não mô cầu là một trong 10 bệnh truyền nhiễm nguy hiểm nhất tại Việt Nam, với tỷ lệ tử vong từ 10-15% và khoảng 20% bệnh nhân có thể để lại di chứng lâu dài. Bệnh thường khởi phát đột ngột, biểu hiện dữ dội như sốt cao, đau đầu, cổ cứng, đau mỏi cơ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy… Trẻ nhỏ có thể ngủ li bì, bỏ bú, phát ban. Để phòng bệnh, người dân nên tiêm vắc xin và thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh cá nhân, đeo khẩu trang tại nơi đông người.

Sởi chưa có dấu hiệu giảm, số ca mắc gia tăng ở trẻ lớn

Cũng trong tuần qua, Hà Nội ghi nhận thêm 212 ca mắc sởi tại 30 quận, huyện, thị xã – tăng 9 ca so với tuần trước. CDC Hà Nội đánh giá, dịch sởi chưa có dấu hiệu chững lại, đặc biệt ghi nhận xu hướng tăng ở nhóm trẻ trên 6 tuổi và những người chưa tiêm chủng đầy đủ.

Tính từ đầu năm 2025, toàn thành phố đã có 1.665 trường hợp mắc sởi, ghi nhận tại toàn bộ 30 quận, huyện, trong đó có 1 ca tử vong. Phân bố theo nhóm tuổi: 12,1% dưới 6 tháng tuổi; 15,2% từ 6-8 tháng; 9,7% từ 9-11 tháng; 22,1% từ 1-5 tuổi; 14,3% từ 6-10 tuổi và 26,6% trên 10 tuổi. Số ca mắc tăng so với cùng kỳ năm 2024.

Hà Nội: Ca mắc não mô cầu đầu tiên trong năm, dịch sởi tiếp tục diễn biến phức tạp - 1

Từ cuối năm 2024 đến nay, dịch bệnh sởi diễn biến phức tạp và gia tăng số ca mắc tại hầu hết các tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội. Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Vũ Cao Cương cho biết: “Để thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa chuẩn trong cơ sở khám chữa bệnh, Sở Y tế thành phố đã yêu cầu các cơ sở khám, chữa bệnh cung cấp đủ nước sạch và các phương tiện vệ sinh tay cho nhân viên y tế, có sẵn các dung dịch sát khuẩn tay chứa cồn ở những nơi thăm khám, chăm sóc người bệnh. Bên cạnh đó, các đơn vị cần lên kế hoạch quản lý tất cả những người bệnh có triệu chứng về đường hô hấp như ho hoặc hắt hơi…, chuyển khám, sàng lọc phát hiện sớm bệnh để cách ly điều trị. Ngoài ra, chúng tôi cũng đặc biệt lưu ý các đơn vị, hằng ngày làm sạch và khử khuẩn các bề mặt dễ bị nhiễm vi sinh vật như các vật dụng xung quanh người bệnh, thành giường, tủ đầu giường và các vật dụng thường xuyên sờ vào như tay nắm cửa, vật dụng trong nhà vệ sinh… Mặt khác, thực hiện tốt các hoạt động chăm sóc người bệnh, cho trẻ nằm phòng cách ly bảo đảm thoáng khí, đủ ánh sáng; theo dõi sát nhằm phát hiện kịp thời diễn biến nặng của bệnh như trẻ mệt, li bì sốt cao, ho nhiều thở nhanh… để kịp thời xử lý. Cùng với đó, tăng cường hoạt động truyền thông về thực hiện các biện pháp phòng, chống bệnh sởi cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi đến khám và điều trị tại bệnh viện. Nhân viên y tế tăng cường tìm hiểu tiền sử tiêm chủng để tư vấn cho người bệnh và người nhà bệnh nhân đi tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin theo khuyến cáo của Bộ Y tế”.

Các chuyên gia dịch tễ khuyến cáo, tiêm vắc xin vẫn là biện pháp hữu hiệu phòng các bệnh truyền nhiễm, trong đó có bệnh sởi. Vì vậy, bố mẹ nên đưa con đi tiêm vắc xin sởi đúng lịch và đủ liều. Đồng thời, tránh để trẻ đến gần hoặc tiếp xúc với trẻ nghi mắc bệnh sởi; đeo khẩu trang nơi đông người, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng khi chăm sóc trẻ; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng, mắt và răng miệng cho trẻ hằng ngày; bảo đảm dinh dưỡng, giữ ấm cơ thể cho trẻ. Đối với môi trường nhà trẻ, mẫu giáo, trường học nơi tập trung đông trẻ em cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng và đủ ánh sáng; thường xuyên khử trùng đồ chơi, dụng cụ học tập và phòng học bằng các chất sát khuẩn thông thường. Đặc biệt, khi phát hiện có những dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh sởi như: Sốt, ho, chảy nước mũi, phát ban... cần sớm cách ly và đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám, tư vấn điều trị kịp thời, tránh biến chứng có thể xảy ra. Tuyệt đối không nên chủ quan tự ý điều trị bệnh sởi tại nhà bằng bất cứ phương pháp nào.

Một số dịch bệnh khác có xu hướng giảm

Trong tuần, Hà Nội ghi nhận 191 ca mắc Tay chân miệng, giảm 12 ca so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm có 976 trường hợp, tăng 391 ca so với cùng kỳ năm ngoái; Sốt xuất huyết: ghi nhận 2 ca mắc trong tuần, giảm 4 ca so với tuần trước. Tổng số ca từ đầu năm là 207, giảm so với cùng kỳ 2024. Bệnh nhân phân bố rải rác tại 28 quận, huyện, thị xã; Uốn ván người lớn: 4 ca mắc mới được ghi nhận tại Chương Mỹ, Bắc Từ Liêm, Mê Linh và Quốc Oai, nâng tổng số ca từ đầu năm lên 9, tăng 4 trường hợp so với năm ngoái.

CDC Hà Nội tiếp tục khuyến cáo người dân chủ động tiêm chủng đầy đủ, đặc biệt cho trẻ nhỏ, nhằm phòng ngừa hiệu quả các bệnh truyền nhiễm đang có nguy cơ bùng phát.

Số ca mắc sởi tập trung chủ yếu ở trẻ nhỏ chưa đến tuổi hoặc chưa được tiêm đầy đủ vắc-xin phòng bệnh.

Theo Hà Minh ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Sống khỏe

Xem Thêm