4 nguyên nhân khiến người chạy marathon đột ngột ngưng tim
Đột ngột ngưng tim và ngừng thở trên đường chạy marathon có thể do vận động viên đã có bệnh lý nền từ trước nhưng không phát hiện ra.
Ngày 6/4, bà N.T.P. (53 tuổi, trú ở huyện Quảng Điền, TP Huế) tham gia một giải chạy tại TP Huế, tuy nhiên khi đang chạy thì người phụ nữ này ngã quỵ.
Mặc dù được những runner khác hô hấp nhân tạo và các bác sĩ tham gia công tác y tế của giải chạy hỗ trợ y tế nhưng bà P. có dấu hiệu ngưng tim.
Bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Trung ương Huế trong tình trạng ngừng tuần hoàn và hô hấp trước đó 45 phút. Sau khi dùng thuốc thì có nhịp tim trở lại nhưng vẫn hôn mê sâu. Sau đó, gia đình xin đưa về nhà và bệnh nhân đã tử vong.
Trước đó, tháng 4/2024, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cũng tiếp nhận nam thanh niên 34 tuổi bị ngưng tim ngay gần về đích, khi tham gia giải chạy marathon tại Hà Nội. Dù được các bác sĩ nỗ lực điều trị hồi sức nhưng bệnh nhân đã tử vong.
Các bác sĩ tại một bệnh viện ở Hà Nội cấp cứu các bệnh nhân tham gia một giải chạy. Ảnh: An Ngọc.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng - Trung tâm Oxy cao áp Việt Nga, Bộ Quốc phòng (Hà Nội), tình trạng đột ngột ngừng tim khi chạy marathon không phải là hiếm gặp. Tại Việt Nam chưa có số liệu về các ca ngưng tim đột tử khi chạy, nhưng tại một số nước có thống kê với tỷ lệ khoảng 0,5/100.000 người.
Có 4 nguyên nhân gây ngừng tim đột ngột khi chơi thể thao như:
- Người bị thiểu năng động mạch vành, gây thiếu máu nuôi cơ tim, dẫn đến rối loạn nhịp rồi ngừng tim, hoặc thiểu năng vành dẫn đến nhồi máu cơ tim ngay. Căn nguyên sâu xa là do xơ vữa mạch vành, mọi người có thể tầm soát bằng cách chụp động mạch vành.
- Rối loạn nhịp tim, có thể là bẩm sinh (hội chứng Brugada, hội chứng WPW, hội chứng khoảng QT kéo dài...) hoặc mắc phải, như rung thất, nhịp nhanh thất, block nhĩ - thất... nguyên nhân có thể do bệnh van tim, do dùng thuốc hoặc rối loạn điện giải.
- Bệnh cơ tim: Những người bị bệnh cơ tim thể giãn, cơ tim phì đại, cơ tim do nghiện rượu... cũng có nguy cơ đột ngột ngừng tim.
- Suy tim mạn tính cũng có thể dẫn tới ngừng tim khi chạy.
Ngoài ra, có thể có một số nguyên nhân khác ngoài tim như chấn thương ngực, thuyên tắc phổi, sử dụng một số chất kích thích...
Trường hợp bà P, bác sĩ Hoàng nghi ngờ khả năng cao là bệnh nhân có tiền sử rối loạn nhịp tim kín đáo từ trước nhưng không phát hiện ra. Trường hợp khác có thể do rối loạn nước điện giải dẫn tới sốc nhiệt hay say nắng, suy thận cấp nhiều hơn là ngừng tim đột ngột.
Để ngừa các biến cố, rủi ro sức khỏe khi tham gia thể thao, bác sĩ Hoàng khuyến cáo, bất cứ vận động viên nào, dù chuyên nghiệp hay các giải cộng đồng, cũng cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Khi tham gia thể thao dù chuyên nghiệp hay phong trào vẫn cần khám sức khỏe, bao gồm sức khỏe tim mạch.
Đặc biệt, người có người thân trong gia đình từng bị đột tử thì nên đi khám chuyên khoa sâu về tim mạch. Việc sàng lọc sức khỏe toàn diện ngăn ngừa đột tử.
Khi có người đột ngột ngã quỵ trên đường chạy, việc hồi sinh tim phổi rất quan trọng, đây là bước đầu tiên trong cấp cứu ngừng tuần hoàn cho bệnh nhân. Nếu nạn nhân đã bất tỉnh, ngừng thở, mạch mất, những người xung quanh nắm rõ và thực hiện quy trình hồi sinh tim phổi cơ bản. Khi ép tim cần lưu ý về vị trí, tốc độ cũng như cường độ ép. Tần số sẽ là 100 - 120 lần/phút, lực ép mạnh để lồng ngực lún xuống 5cm. Vị trí ép đúng là nửa dưới xương ức hoặc giữa hai vú. Tư thế người ép là chân quỳ, trục cánh tay vuông góc với thân mình người bệnh. Cứ 30 lần ép tim thì thực hiện 2 lần thổi ngạt. Khi sơ cấp cứu cần tìm hiểu xem người bệnh có bị mắc dị vật, răng giả hay đờm dãi. Nếu có thì cần xử lý để làm thông đường thở cho người bệnh. |
Mặc dù chạy bộ rất tốt cho sức khỏe nhưng cần tập luyện đúng cách để không gây phản tác dụng.
Nguồn: [Link nguồn]
-07/04/2025 13:11 PM (GMT+7)







