Người đàn ông Đồng Tháp xây phòng riêng cho ốc ngủ, thu hàng trăm triệu/năm
Với bí quyết riêng, người đàn ông này đã xây dựng căn phòng đặc biệt cho ốc ngủ sau đó đem đi bán, mỗi năm anh thu về hàng trăm triệu đồng.
Vốn đang có một công việc rất ổn định, anh Lê Hồng Lâm (Đồng Tháp) quyết định nghỉ làm, đổ toàn bộ tiền tiết kiệm để khởi nghiệp làm “ốc gác bếp” theo quy trình công nghiệp.
Để làm ốc gác bếp theo cách thông thường, ốc được sơ chế và cho vào giỏ treo trên giàn bếp 2-3 tháng mới chế biến thành món ăn nhưng cách làm đó khiến con ốc dễ bị ám khói, kén người ăn.
Anh Lâm đã nghiên cứu làm ốc gác bếp “không khói”. Anh vẫn sử dụng ốc lác làm nguyên liệu chính.
Những con ốc này được anh thu mua ở các vùng đầu nguồn như An Giang, Đồng Tháp hoặc Campuchia.
Theo anh, những con ốc phải đạt tiêu chuẩn: tròn đều, không bị sứt mẻ vỏ, miệng ốc bằng mới làm được ốc gác bếp nên số lượng có rất ít. Bình quân 1 tấn ốc chỉ lựa ra 1/3 đủ tiêu chuẩn để làm.
Các công đoạn làm ốc gác bếp đó là lựa sàn lọc con đạt tiêu chuẩn về kích thước chất lượng, đem đi ngâm xử lý từ 10 - 12 tiếng cho ốc thảy hết chất dơ trong cơ thể rồi mới đem đi cho ngủ.
Làm ốc này, anh cho biết phải xếp ốc không để chúng chồng lên nhau. Nhiệt độ ốc ngủ duy trì 35-37 độ, bên dưới lót rơm hút ẩm.
Người làm cần phải thường xuyên kiểm tra và loại bỏ con chết thì mới thành công được.
Sau một tuần ủ trong phòng kín, ốc đã chuyển sang trạng thái "ngủ". Lúc này, anh sẽ chuyển ốc sang kệ trong phòng mát cho ốc chuyển hóa năng lượng.
Trong phòng mát, ốc sẽ ngủ đến 3 tháng. Phần dinh dưỡng từ đuôi ốc chuyển thành năng lượng để nuôi chúng sống trong thời gian "ngủ" triền miên.
Phương pháp này giúp thịt ốc sạch, loại bỏ bùn dơ, tạp chất. Điều đặc biệt, vỏ ốc sẽ mỏng hơn sau nhiều tháng "ngủ" vùi.
Cuối cùng, anh sẽ chuyển sang phơi ốc trên giàn để vỏ ốc lên màu sáng, bắt mắt hơn. Sau đó, anh sẽ cho ốc vào giỏ, mỗi giỏ ốc trọng lượng 1kg có giá từ 200.000 - 250.000 đồng.
Với quy mô hiện tại, trung bình 3 ngày sẽ cho ra một tấn ốc. Tuy nhiên, anh Lâm cho rằng sản lượng đó vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường.
Sản xuất ốc gác bếp giúp người đàn ông này thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.
Ngoài ốc lác, hiện tại, cơ sở đang triển khai trên ốc bươu đen (ốc nhồi), ốc đắng (ốc dạ) để mở rộng thêm thị trường.