Chia sẻ

Thuế "gà" và cuộc chiến thương mại: Khi một chính sách cũ vẫn âm thầm định hình thị trường Mỹ

Sự kiện: Kinh tế thế giới
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Thuế nhập khẩu xe bán tải – hay còn được gọi là "thuế gà" – đã tồn tại hơn 60 năm và vẫn ảnh hưởng mạnh đến ngành công nghiệp ô tô Mỹ. Từ một cuộc trả đũa thương mại năm 1963, chính sách này trở thành minh chứng sống động cho việc các hàng rào thuế quan có thể tồn tại dai dẳng và âm thầm định hình kinh tế suốt nhiều thế hệ.

Vì sao một loại thuế xuất phát từ gà lại ảnh hưởng tới xe bán tải?

Thuế "gà" bắt nguồn từ cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và châu Âu vào đầu thập niên 1960. Khi các nước châu Âu áp thuế lên thịt gà Mỹ, Tổng thống Lyndon B. Johnson đã đáp trả bằng việc đánh thuế 25% lên một số mặt hàng nhập khẩu từ châu Âu – trong đó có xe tải nhẹ, dù lý do ban đầu là để "trừng phạt" việc châu Âu chặn gà Mỹ.

Tuy nhiên, sau khi châu Âu dỡ bỏ thuế với thịt gà Mỹ vào năm 1964, thì thuế với xe bán tải vẫn được duy trì. Lý do là gì? Các hãng xe Mỹ như Ford, GM và Chrysler nhận ra rằng việc cản trở xe bán tải ngoại nhập giúp họ nâng giá bán và tăng lợi nhuận. Các công đoàn ngành ô tô cũng ủng hộ giữ nguyên thuế này.

 Một trang trại gia cầm ở Hoa Kỳ, vào khoảng năm 1965

 Một trang trại gia cầm ở Hoa Kỳ, vào khoảng năm 1965

Kết quả là người tiêu dùng Mỹ phải chịu giá xe bán tải cao hơn, trong khi gần như không có sự lựa chọn nào từ châu Âu hay châu Á. Thị trường bị bóp méo, lợi ích thuộc về các tập đoàn lớn chứ không phải người tiêu dùng.

Mặc dù ít người biết đến, nhưng thuế "gà" chính là biểu tượng của cách một biện pháp trả đũa thương mại ngắn hạn có thể biến thành chính sách lâu dài gây tác động sâu rộng lên thị trường.

Để tránh thuế, nhiều hãng ô tô nước ngoài đã nghĩ ra những cách sáng tạo đến mức kỳ quặc để đưa xe bán tải vào Mỹ. Ví dụ, một số hãng lắp xe mà không gắn thùng xe phía sau – phần bị coi là xe tải – rồi gắn sau khi nhập cảnh. Hãng Subaru thậm chí từng gắn ghế ngồi phía sau trong thùng xe để biến bán tải thành xe chở khách.

Ford cũng không đứng ngoài cuộc. Trong giai đoạn 2009-2013, hãng này nhập khẩu dòng xe Transit Connect từ châu Âu vào Mỹ với hàng ghế phụ được lắp tạm. Sau khi xe qua hải quan, ghế sẽ bị tháo bỏ. Hành vi này khiến Ford bị phạt 365 triệu USD vào năm 2024.

Tuy nhiên, thỏa thuận thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đã mở ra cánh cửa hợp pháp để sản xuất xe bán tải ở Mexico và Canada rồi nhập vào Mỹ mà không bị thuế. Nhờ đó, các hãng xe lớn của Mỹ chuyển nhà máy ra ngoài lãnh thổ để hưởng lợi.

Tóm lại, thuế "gà" không ngăn được hoàn toàn xe ngoại, nhưng đã buộc các hãng phải đi đường vòng, tăng chi phí và làm méo mó thị trường.

Thay vì cố chen chân vào phân khúc xe bán tải bị đánh thuế cao, nhiều hãng ô tô châu Á và châu Âu đã chuyển hướng sang sản xuất xe con – nhất là các mẫu xe nhỏ, tiết kiệm nhiên liệu.

Khi giá xăng tăng vào thập niên 1970, người Mỹ bắt đầu chuyển sang dùng xe nhỏ hơn. Làn sóng đầu tư của các hãng như Honda, Toyota đổ vào Mỹ, tập trung vào sản xuất xe con thay vì bán tải, vì mức thuế nhập khẩu với xe con chỉ là 2,5%.

Việc xây nhà máy tại Mỹ cũng không hẳn do thuế, mà vì lợi ích kinh tế: rút ngắn chuỗi cung ứng, giảm chi phí logistics và gần gũi thị trường tiêu thụ. Dù thuế xe bán tải làm tê liệt cạnh tranh nhưng không thể ngăn chặn được sự vươn lên của các hãng xe ngoại.

Bằng chứng là đến năm 2007, các hãng xe châu Á và châu Âu đã chiếm hơn 50% thị phần ô tô Mỹ – cả xe con lẫn xe tải – vượt mặt "Big Three" của Detroit. Ngay cả ở thị trường Mỹ, lượng xe lắp ráp bởi hãng ngoại cũng nhiều hơn xe do hãng Mỹ sản xuất trong nước.

Xe tải nhỏ gọn Ford Transit Connect được nhìn thấy tại nhà máy ô tô Ford Otosan Ihsaniye gần thành phố Kocaeli, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ.

Xe tải nhỏ gọn Ford Transit Connect được nhìn thấy tại nhà máy ô tô Ford Otosan Ihsaniye gần thành phố Kocaeli, phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ.

Thuế quan của ông Trump sẽ để lại dấu ấn lâu dài ra sao?

Dù Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố các chính sách thuế của ông là "chiến thuật mặc cả", thực tế cho thấy thuế quan có thể gây ra tác động kéo dài vượt xa kỳ vọng ban đầu.

Chuyên gia kinh tế Dan Ikenson nhận định, một khi thuế được áp dụng, nó sẽ hình thành lợi ích nhóm và những nhóm này sẽ tìm cách duy trì thuế bất chấp các thay đổi thực tế.

Chính sách thuế quan khiến doanh nghiệp phải tính toán lại chuỗi cung ứng, đầu tư và chiến lược sản xuất. Một khi đã thay đổi cơ cấu, rất khó để "quay đầu". Ví dụ điển hình là thuế "gà" – tồn tại hơn 60 năm chỉ vì nó có lợi cho một ngành công nghiệp nhất định.

Các nhà phân tích cảnh báo rằng chính sách thuế của ông Trump có thể gây ra các thay đổi cơ bản với thị trường – không chỉ trong ngắn hạn mà cả hàng thập kỷ sau. Dù có thể nâng giá sản phẩm và ảnh hưởng việc làm, những chính sách như vậy vẫn nhận được sự ủng hộ nhờ vào tính biểu tượng và tâm lý "bảo vệ ngành trong nước".

Khi chính trị và kinh tế va chạm, ai là người trả giá?

Bài học từ thuế "gà" cho thấy: một chính sách thương mại ban đầu tưởng như tạm thời có thể trở thành yếu tố định hình thị trường hàng chục năm. Sự phức tạp của luật thuế, lợi ích nhóm và sức mạnh chính trị khiến việc thay đổi trở nên gần như bất khả thi.

Người tiêu dùng Mỹ vẫn phải mua xe bán tải với giá cao, không hề hay biết vì sao lựa chọn của họ bị giới hạn. Trong khi đó, các hãng xe nước ngoài phải “mưu mẹo” để tồn tại và các tập đoàn Mỹ thì hưởng lợi từ một hệ thống được thiết kế theo hướng có lợi cho họ.

Điều này cho thấy thương mại không chỉ là vấn đề kinh tế, mà còn là câu chuyện quyền lực, lợi ích và tầm nhìn dài hạn. Và một khi cán cân đã lệch, rất khó để cân bằng lại.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đang chuẩn bị áp thuế nhập khẩu quy mô lớn lên ba đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ: Mexico,...

Theo Ngọc Linh (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Kinh tế thế giới

Xem Thêm