Không chỉ sở hữu khối tài sản lên tới cả nghìn tỷ đồng, những người phụ nữ này cũng đang đảm nhiệm vị trí Chủ tịch, Tổng giám đốc tại các doanh nghiệp lớn niêm yết trên sàn chứng khoán Việt Nam.

Những “nữ tướng” sở hữu tài sản nghìn tỷ đầy quyền lực trên thương trường - 3Những “nữ tướng” sở hữu tài sản nghìn tỷ đầy quyền lực trên thương trường - 4

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo là tên tuổi đứng đầu Top phụ nữ giàu nhất sàn chứng khoán hiện nay. Bà Thảo đang giữ vị trí Phó Chủ tịch thường trực Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HD Bank), Phó Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Hàng không VietJet Air, Chủ tịch HĐQT CTCP Sovico.

Theo Forbes, "nữ tướng" ngành hàng không Việt Nam đang nắm giữ khối tài sản có giá trị 2,7 tỷ USD, đứng thứ 2 trong danh sách những tỷ phú USD Việt Nam sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup với khối tài sản lên tới 5,3 tỷ USD (số liệu tính đến ngày 6/3). Trước đó, bà Thảo lần đầu vào danh sách tỷ phú năm 2017, được Forbes xác định sở hữu 1,2 tỷ USD.  

Bà Phương Thảo có bằng Tiến sĩ điều khiển học kinh tế, cùng với 2 tấm bằng cử nhân Quản lý kinh tế lao động và Tài chính tín dụng. Năm 21 tuổi, bà đã có trong tay 1 triệu USD nhờ kinh doanh đủ thứ trong thời gian du học tại Đông Âu.

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu khối tài sản lên tới hơn 2,7 tỷ USD

Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sở hữu khối tài sản lên tới hơn 2,7 tỷ USD

Từ cuối những năm 80 của thế kỷ 20, bà Thảo cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Hùng thành lập nên công ty SOVICO Holdings chuyên kinh doanh các mặt hàng tiêu dùng, nhu yếu phẩm, điện tử, may mặc... tại Liên bang Nga.

Khi về Việt Nam, bà tham gia sáng lập và điều hành 2 ngân hàng tư nhân là VIB và Techcombank, sau đó đầu tư vào HD Bank. Đến năm 2007, SOVICO Holdings của bà Thảo cùng HDBank, Tập đoàn T&C thành lập nên Vietjet Air. Năm 2011, bà Nguyễn Thị Phương Thảo chính thức trở thành Giám đốc điều hành của Vietjet Air. Dưới sự lãnh đạo tài tình của mình, hãng hàng không giá rẻ Việt Nam đã có những bước tăng trưởng thần tốc.

Năm 2024, Vietjet ghi nhận 71.858 tỷ đồng doanh thu, tăng 23% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế đạt 1.426 tỷ đồng, gấp 6 lần so với thực hiện năm 2023, với kết quả này, VJC đã hoàn thành và vượt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận năm được đề ra tại ĐHĐCĐ hồi đầu năm.

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Hàng không VietJet Air

Bà Nguyễn Thị Phương Thảo đang giữ vị trí Phó Chủ tịch HĐQT & Tổng Giám đốc CTCP Hàng không VietJet Air

Trong khi đó, năm 2024, HDBank đạt 16.731 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 28,5% so với năm 2023 và hoàn thành 106% kế hoạch cổ đông giao. Tổng tài sản HDBank đạt 697.281 tỷ đồng, tăng 15,8% so với năm 2023. Huy động vốn vượt 621 nghìn tỷ đồng, tăng 15,7%, trong đó tiền gửi từ tổ chức kinh tế và dân cư tăng 18%. Tổng dư nợ đạt trên 437 nghìn tỷ đồng, tăng 23,9% so với cùng kỳ.

Bà Thảo từng lọt vào Top các nhà lãnh đạo quyền lực nhất châu Á (do Forbes bình chọn); Nữ doanh nhân xuất sắc tại khu vực Asean; 50 lãnh đạo tiêu biểu toàn cầu năm 2018 do Bloomberg bình chọn; 50 phụ nữ ảnh hưởng nhất Việt Nam 2019; được tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh của nhà nước Cộng hòa Pháp năm 2021.

Những “nữ tướng” sở hữu tài sản nghìn tỷ đầy quyền lực trên thương trường - 7Những “nữ tướng” sở hữu tài sản nghìn tỷ đầy quyền lực trên thương trường - 8

Bà Trương Thị Lệ Khanh hiện là Chủ tịch HĐQT CTCP Vĩnh Hoàn, Thành viên HĐQT CTCP Xuất nhập khẩu Sa Giang. Với gần 95 triệu cổ phiếu VHC của Vĩnh Hoàn, bà Trương Thị Lệ Khanh hiện sở hữu khối tài sản hơn 6.753 tỷ đồng.

Theo giới thiệu, bà Trương Thị Lệ Khanh tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế tại Đại học Tài chính Kinh tế TP HCM, bà Lệ Khanh từng trải qua nhiều vị trí trong các công ty xuất nhập khẩu, các doanh nghiệp thương mại trước khi đảm nhiệm vai trò Phó giám đốc Công ty Thương nghiệp Tổng hợp An Giang năm 30 tuổi. 5 năm sau đó, bà trở thành trợ lý Tổng giám đốc Công ty FIDECO. Đây đều là những bước đệm để bà tiến tới xây dựng Công ty TNHH Vĩnh Hoàn (nay là Công ty cổ phần Vĩnh Hoàn).

Thành lập năm 1997 với số vốn ban đầu 300 triệu đồng, ban đầu Vĩnh Hoàn chỉ tập trung xuất nhập khẩu các mặt hàng như cá tra, basa fillet và hàng giá trị gia tăng từ cá tra và cá basa. Sau đó, công ty lập cơ sở chế biến riêng và vươn lên dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu cá tra cả nước vào năm 2013. Tới năm 2007, Vĩnh Hoàn đã chuyển đổi mô hình sang Công ty cổ phần, đồng thời chính thức niêm yết cổ phiếu tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM.

Bà Trương Thị Lệ Khanh và con gái hiện đang là lãnh đạo cấp cao của CTCP Vĩnh Hoàn

Bà Trương Thị Lệ Khanh và con gái hiện đang là lãnh đạo cấp cao của CTCP Vĩnh Hoàn

Năm 2024, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra ghi nhận doanh thu hơn 12.500 tỷ đồng, tăng 25% so với năm trước, tiến sát mức kỷ lục hơn 13.200 tỷ đồng từng đạt được vào năm 2022 - giai đoạn hoàng kim của ngành thủy sản. Lãi ròng đạt 1.233 tỷ đồng, tăng 34%. Tuy doanh thu tăng khiến các khoản chi phí cũng tăng, nhưng Công ty vẫn tiết giảm đáng kể chi phí lãi vay, giảm hơn 45% xuống còn 73 tỷ đồng.

Trên bảng cân đối kế toán, tổng tài sản của doanh nghiệp tại ngày 31/12/2024 ở mức 12.249 tỷ đồng, tương ứng tăng 2% so với mức 11.942 tỷ đồng tại ngày cuối cùng năm 2023. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối VHC đạt gần 6.200 tỷ đồng, bằng một nửa tổng nguồn vốn trên bảng cân đối kế toán. Cuối năm 2024, Công ty vẫn duy trì khoản tiền gửi ngân hàng gần 2.800 tỷ đồng, chiếm hơn 30% tài sản ngắn hạn.

Bà Lệ Khanh là một trong 2 phụ nữ Việt lọt top 50 phụ nữ nổi bật trên 50 tuổi tại châu Á Thái Bình Dương năm 2022 do Forbes vừa công bố. Năm 2020, bà cũng được Tạp chí này vinh danh là một trong 25 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á 2020.

Những “nữ tướng” sở hữu tài sản nghìn tỷ đầy quyền lực trên thương trường - 10Những “nữ tướng” sở hữu tài sản nghìn tỷ đầy quyền lực trên thương trường - 11

Doanh nhân Nguyễn Thị Mai Thanh sinh ngày 25/12/1952 tại huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh. Bà là con gái của Trung tướng Nguyễn Thới Bưng – nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng. Nhập ngũ khi mới 16 tuổi, bà từng làm việc với vai trò là một người lính quân y và được cử ra Bắc đào tạo vào năm 1973. Sau đó, bà được cử đi du học tại CHDC Đức, chuyên ngành Cơ khí.

Sau khi về nước, bà trở thành kỹ sư của Xí nghiệp Quốc doanh liên hiệp Thiết bị lạnh và được đề nghị kế vị chức Giám đốc xí nghiệp ở tuổi 33, sau khi chứng minh thực tài bằng dự án lắp đặt thành công hệ thống lạnh lớn đầu tiên cho Nhà hát Hoà Bình.

Năm 1992, với cương vị là người lãnh đạo, bà Mai Thanh đã dẫn dắt xí nghiệp của thực hiện cổ phần hoá và trở thành một trong những công ty cổ phần đầu tiên có vốn Nhà nước, vốn của cán bộ công nhân viên và vốn nước ngoài. Năm 1993, Công ty cổ phần Cơ Điện Lạnh (REE) được thành lập. Năm 2000 là một mốc son đáng nhớ với REE khi trở thành doanh nghiệp nhà nước đầu tiên phát hành trái phiếu quốc tế chuyển đổi, một trong hai cổ phiếu lên sàn đầu tiên ngay khi thị trường chứng khoán Việt Nam vừa chính thức đi vào hoạt động.

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh hiện đang giữ vị trí Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh

Bà Nguyễn Thị Mai Thanh hiện đang giữ vị trí Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh

Từ cuối tháng 11/2024, bà Nguyễn Thị Mai Thanh không còn đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của REE. Thay vào đó, Nguyễn Thị Mai Thanh hiện đang giữ vị trí Tổng giám đốc CTCP Cơ điện lạnh (REE). Nữ doanh nhân 73 tuổi đang trực tiếp nắm giữ hơn 60,4 triệu cổ phiếu doanh nghiệp mình làm lãnh đạo với giá trị thị trường đạt hơn 4.452 tỷ đồng.

Năm 2024, REE ghi nhận doanh thu đạt 8.384 tỷ đồng giảm 2% so với năm 2023. Lợi nhuận sau thuế giảm 14%, về mức 2.397 tỷ đồng. Quy mô tài sản tính đến cuối năm 2024 của REE đạt gần 36.361 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với hồi đầu năm. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền của REE đạt 5.636 tỷ đồng; các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ở mức 1.060 tỷ đồng (riêng giá trị chứng khoán kinh doanh là 733 tỷ đồng). Ngoài ra, REE còn 3.129 tỷ đồng là các khoản phải thu ngắn hạn và 1.277 tỷ đồng là hàng tồn kho.

Ở bên kia bảng cân đối, REE còn 13.906 tỷ đồng nợ phải trả, giảm nhẹ so với đầu năm. Giá trị vay ngắn hạn và dài hạn của REE lần lượt ở mức 1.244 tỷ đồng và 9.153 tỷ đồng.

Những “nữ tướng” sở hữu tài sản nghìn tỷ đầy quyền lực trên thương trường - 13Những “nữ tướng” sở hữu tài sản nghìn tỷ đầy quyền lực trên thương trường - 14

Bà Đặng Huỳnh Ức My là ái nữ nhà doanh nhân Đặng Văn Thành và bà Huỳnh Bích Ngọc. Bà My đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa (SBT) và trực tiếp nắm giữ hơn 82,47 triệu cổ phiếu của SBT, tương đương tỷ lệ năm giữ chiếm 9,86% và có giá thị trường đạt hơn 1.187 tỷ đồng.

Theo giới thiệu bà Đặng Huỳnh Ức My sau khi theo học ngành Quản trị kinh doanh và tài chính ở Đại học Preston, New Zealand, đã trở về và nối nghiệp mẹ khi làm việc trong ngành mía đường. Năm 2006, khi chỉ mới 25 tuổi, ái nữ nhà đại gia Đặng Văn Thành đã từng nắm giữ chức vụ Phó giám đốc điều hành, Phó Tổng giám đốc thường trực CTCP Thành Thành Công. Đến tháng 7/2009, Ức My trở thành nữ tổng giám đốc trẻ tuổi nhất trong Tập đoàn ở độ tuổi 28.

Từ tháng 4/2012 – 2/2015, Ức My nắm giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT CTCP Mía đường Thành Thành Công -Tây Ninh. Đến tháng 10/2019, cô được bổ nhiệm Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công Biên Hòa. Từ 13/07/2024, bà  Đặng Huỳnh Ức My được bổ nhiệm giữ vị trí Chủ tịch HĐQT CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa.

Bà My đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa

Bà My đang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Thành Thành Công - Biên Hòa

Trong niên độ tài chính 2023 – 2024, SBT lập kỷ lục doanh thu khi đạt 29.021 tỷ đồng, tăng 17,4%; lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ 748 tỷ đồng, tăng 39%.

Trong nửa đầu niên độ 2024 – 2025 (từ 30/6/2024 - 31/12/2024), doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận tăng trưởng. Doanh thu thuần đạt 14.360 tỷ đồng, tăng 7%. Biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ từ 10,5% lên 11,6%, lợi nhuận gộp đạt 1.671 tỷ đồng, tăng 17%. Sau khi bù đắp lỗ hoạt động tài chính, hoạt động khác và chi phí tăng cao, công ty báo lãi ròng 429 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ niên độ trước.

Ở niên độ 2024 – 2025, SBT đưa ra kế hoạch kinh doanh thận trọng với doanh thu 26.168 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 900 tỷ đồng, lần lượt giảm 10% và giảm 0,9% so với thực hiện niên độ trước. Qua nửa chặng đường, doanh nghiệp thực hiện được 55% chỉ tiêu doanh thu và 59% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Những “nữ tướng” sở hữu tài sản nghìn tỷ đầy quyền lực trên thương trường - 16

Content & Media: Nam Anh

Sự kiện:
Thứ Bảy, ngày 08/03/2025 07:41 AM
Theo Nam Anh ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan