Không phải Dubai, nơi này mới được coi là "mỏ vàng" của TG
Kể từ thế kỷ 19, nơi đây vẫn là nơi sản sinh ra lượng vàng “khổng lồ” mà bao người ao ước.
Johannesburg là một thành phố trù phú, giàu có và lớn nhất ở Nam Phi. Nơi đây sở hữu những mỏ vàng đồ sộ, được ví như "quê hương" của thứ kim loại quý giá này.
Theo Guardian, khai thác vàng bùng nổ ở Johannesburg kể từ thế kỷ 19 và tới nay vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt.
Kể từ năm 1886 cho đến năm 2007, Nam Phi là quốc gia sản xuất và cung cấp vàng lớn nhất thế giới với 79% lượng vàng.
Bộ mặt thành phố Johannesburg thực sự thay đổi khi những người thăm dò quặng phát hiện ra nguồn khoáng sản khổng lồ nơi đây. Vào năm 1886, Johannesburg chính thức trở thành một thành phố thịnh vượng.
Mỏ vàng South Deep nằm phía tây thành phố Johannesburg. Đây là khu mỏ nằm sâu dưới lòng đất tới hơn 3000 m, trữ lượng tại đây lên tới gần 1.800 tấn vàng.
Một công ty khai khoáng và sản xuất vàng lớn thứ tư thế giới đã đầu tư 2,5 tỷ USD cho việc khai thác tại mỏ vàng này.
Vào giai đoạn những năm 1970, Nam Phi là một trong các quốc gia sản xuất vàng hàng đầu thế giới với hơn 75 % tổng trữ lượng toàn cầu, đồng thời đóng góp hơn 21% GDP trên thế giới.
Theo ước tính, mỗi tấn quặng sản xuất được khoảng 5 gam vàng.
Tại đây, khoảng 14,2 tấn vàng được đúc mỗi năm.
Vàng nung nóng ở nhiệt ộ 1064 độ C chảy vào khuôn đúc. Chúng được tinh chế tới độ tinh khiết là 85 % trong mỏ, trước khi chuyển tới nhà máy tinh chế để xử lý theo tiêu chuẩn của thị trường vàng London.
Mỗi thỏi vàng đúc xong nặng 28kg, đặc hơn chì, có giá trị khoảng 1,15 triệu USD. Chính giá trị cao của những thỏi vàng này khiến nhu cầu đảm bảo an ninh trở thành mối quan tâm hàng đầu.
Mỏ vàng South Deep có khoảng 200 nhân viên an ninh với độ bảo mật gắt gao.
Công ty khai khoáng và sản xuất vàng Nam Phi kỳ vọng tính đến năm 2022, chi phí để sản xuất một ounce (28,3 gam) vàng sẽ nằm trong khoảng 900 USD (20,8 triệu đồng), thấp hơn nhiều so với mức chi phí gần 1.300 USD (30,12 triệu đồng) ở thời điểm trước đó.
Hiện nay, ngành công nghiệp khai thác vàng của Nam Phi đang bị bủa vây bởi những khó khăn dồn dập: công nhân đình công đòi tăng lương, giá vàng neo ở mức thấp, chi phí khai thác gia tăng do độ sâu các hầm mỏ ngày càng lớn.
Ngành công nghiệp khai thác 130 năm tuổi đời của Nam Phi đã đóng góp hơn một nửa tổng sản lượng vàng khai thác trên trái đất từ trước đến nay. Tuy nhiên, ngành công nghiệp này đang trong giai đoạn “hấp hối” sau nhiều thập kỷ gặp khó khăn.
Trong khi đó ở Durban Deep - mỏ vàng cũ thuộc bờ tây thành phố lại là nơi tập trung hàng trăm dân nhập cư, chủ yếu đến từ Zimbabwe. Họ sống trong khu nhà tạm bợ của công nhân mỏ da trắng trước kia.