Công nghệ VAR lần đầu xuất hiện ở Mỹ Đình đắt đỏ cỡ nào?
Chi phí vận hành công nghệ này khá đắt đỏ nên nhiều quốc gia không thể sử dụng.
Lần đầu tiên tại sân Mỹ Đình sẽ có công nghệ VAR. Đây là hệ thống do VFF - Liên đoàn bóng đá Việt Nam mượn của AFC theo dạng tạm nhập tái xuất.
Sở dĩ VAR tốn kém vì sẽ có tới 33 máy quay ở 33 góc khác nhau, đảm bảo việc không một pha bóng nào lọt qua tầm mắt của hệ thống này.
World Cup 2018 là lần đầu tiên VAR được đưa vào sử dụng. Mỗi trận, chi phí vào khoảng 700.000 USD (hơn 16 tỷ đồng).
Chi phí cao chính là vấn đề khiến cho nhiều giải bóng đá trên thế giới không thể dùng VAR. Ví dụ năm 2018, giải vô địch quốc gia của Brazil đã tính đến VAR, nhưng 12/20 câu lạc bộ từ chối.
Nguyên nhân do chi phí sử dụng VAR một mùa giải ước tính khoảng 6,2 triệu USD (141 tỷ đồng).
Với chi phí này có nghĩa mỗi đội sẽ phải tốn khoản tiền 310.000 USD (7 tỷ đồng) nên không nhận được cái gật đầu của các câu lạc bộ tại nước này.
Tại Nam Phi, Giải ngoại hạng Nam Phi từng công bố doanh thu khủng 1 tỷ Rand Nam Phi (1500 tỷ đồng) song họ tính toán nếu áp dụng VAR ở giải này thì chỉ đạt được 10% mức này.
Hay như tại Rwanda - một quốc gia ở châu Phi, hồi năm 2019 nổi lên lùm xùm trọng tài tại một số trận đấu, có ý kiến cần có VAR. Tuy nhiên, người phụ trách công tác trọng tài của cơ quan quản lý bóng đá nước này cho biết hệ thống VAR khó có thể được lắp đặt trong tương lai gần.
Ông cho rằng cần 16 camera để dùng cho VAR trong 1 trận đấu. Không có mức giá cố định cho từng sân vì phụ thuộc vào quy mô của sân. Song chi phí có thể lên đến hàng trăm ngàn USD/sân.
Thai League là giải đấu đã áp dụng công nghệ VAR đầu tiên. Năm 2018, Thái Lan chủ động dùng VAR thử nghiệm từ 2 đến 4 trận/vòng đấu.
Hệ thống VAR không chỉ có các máy quay chậm và nhanh mà còn có một phòng VAR để hình ảnh truyền về, từ đây các trọng tài VAR sẽ báo cho trọng tài chính.
Công nghệ VAR sẽ được dùng trong các tình huống như phạt thẻ đỏ trực tiếp, penalty, bàn thắng, nhận diện sai.