Nhà tù Sơn La - di tích lịch sử quốc gia đặc biệt
Nằm trên đồi Khau Cả, soi mình xuống dòng Nậm La, nhà tù Sơn La là di tích lịch sử quốc gia đặc biệt. Trên cung đường Tây Bắc, đây là địa chỉ không thể bỏ qua, nhất là đối với những người yêu mến lịch sử đấu tranh hào hùng của dân tộc...
Bà Ngô Thị Hải Yến - Giám đốc Bảo tàng và Thư viện tỉnh Sơn La - cho biết, mỗi năm di tích nhà tù Sơn La đón khoảng 260.000 lượt khách. Trong đó, quý I năm nay, dù chưa phải vào cao điểm của những ngày kỷ niệm chiến thắng của dân tộc ta nhưng di tích đón hơn 27.000 lượt khách du lịch. Trong ảnh là toàn cảnh di tích nhìn từ trên cao.
Theo bà Ngô Thị Hải Yến, trong những năm gần đây lượng khách du lịch về tham quan các danh lam, thắng cảnh, di tích lịch sử tại Sơn La và vùng Tây Bắc ngày một đông. Trong hành trình tham quan, rất nhiều du khách đều dừng chân tại nhà tù Sơn La.
"Điều vui mừng là ngày càng có nhiều bạn trẻ, các cháu học sinh đến tham quan, trải nghiệm, xem phim 3D giới thiệu về nhà tù Sơn La. Các bạn trẻ quan tâm tìm hiểu về giá trị lịch sử của nhà tù, truyền thống, tinh thần cách mạng, ý chí đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước", chị Yến cho hay.
Hiện nay, thiếu niên, nhi đồng, người tàn tật được miễn phí vé vào tham quan; các bác cựu chiến binh, học sinh trung học phổ thông, người dân ở vùng sâu, vùng xa, khu vực biên giới được giảm 50% giá vé. "Việc miễn giảm vé vào tham quan khu di tích nhằm thu hút các cháu học sinh đến đây tham quan, học tập về lịch sử, truyền thống yêu nước, ý chí cách mạng của các thế hệ ông cha", chị Yến chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Lý (tỉnh Thái Bình) cho biết, chị cùng gia đình đi du xuân vùng Tây Bắc, khi đến Sơn La ngắm hoa, chị đã cho các con vào tham quan nhà tù Sơn La. Theo chị Lý, thăm nhà tù Sơn La giúp các con hiểu giá trị lịch sử, công lao của các thế hệ cha ông không quản hi sinh xương máu đấu tranh giành độc lập cho dân tộc, để thế hệ sau này được hưởng cuộc sống hòa bình, hạnh phúc.
“Mỗi chuyến tham quan các di tích lịch sử, là một buổi học thực tế giúp con trẻ nhớ, hiểu sâu hơn về lịch sử đấu tranh anh dũng, kiên cường, bất khuất vì độc lập, tự do dân tộc của các chiến sĩ cộng sản trung kiên”, chị Nguyễn Thị Lý nhấn mạnh.
Thông tin tại di tích nêu: Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp đã thiết lập bộ máy cai trị trên vùng Tây Bắc. Đầu năm 1908, chúng cho xây dựng nhà tù Sơn La trên đồi Khau Cả (tổ 9, phường Tô Hiệu, TP. Sơn La, tỉnh Sơn La). Qua 3 lần xây dựng và mở rộng, nhà tù Sơn La có tổng diện tích là 2.184m2, với 49 phòng giam lớn, nhỏ khác nhau.
Năm 1930, từ một nhà tù hàng tỉnh, chủ yếu giam thường phạm, thực dân Pháp đã xây dựng nơi đây trở thành nhà tù hàng quốc gia, chủ yếu giam cầm tù nhân chính trị với mục tiêu đày ải và thủ tiêu ý chí cách mạng của các chiến sĩ cộng sản và những người Việt Nam yêu nước. Nhà tù Sơn La được thực dân Pháp xây dựng với một hệ thống kiên cố với tường cao 3,9m, dày từ 30 đến 60cm.
Thực dân Pháp đã cho xây dựng nhiều trại giam, đặc biệt là khu xà lim ngầm sâu dưới lòng đất 3,5m với diện tích 110m2. Trong phòng giam, sàn nằm của tù nhân được thiết kế bằng đá, láng xi măng với hệ thống cùm chân chạy dọc theo chiều dài của sàn.
Tù chính trị mỗi năm chỉ được phát một bộ quần áo làm bằng vải thun, một manh chiếu và một chiếc chăn mỏng, không thể đủ chống chọi với khí hậu khắc nghiệt của vùng Tây Bắc. Được mệnh danh là địa ngục trần gian chỉ xếp thứ hai sau nhà tù Côn Đảo, nhà tù Sơn La là nơi giam cầm của 14 đoàn tù chính trị với 1.013 lượt tù nhân. Trong ảnh là lối ra vào khu vực trung tâm của nhà tù.
Nhiều đồng chí là Ủy viên Trung ương, Xứ ủy, Thành ủy và cán bộ cốt cán tiêu biểu của Đảng bị giam giữ ở nhà tù Sơn La, như: Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Lương Bằng, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Thanh Nghị, Mai Chí Thọ...
Từ sau năm 1939, số lượng đảng viên bị đày lên nhà tù Sơn La ngày càng tăng. Xuất phát từ những yêu cầu thực tiễn phải có một chi bộ Đảng làm hạt nhân lãnh đạo hoạt động và tổ chức đấu tranh, tháng 12/1939, các đảng viên trong tù đã bí mật triệu tập một hội nghị để thảo luận và thành lập chi bộ lâm thời gồm 10 đồng chí. Trong ảnh là cây đào do đồng chí Tô Hiệu trồng trong khu vực nhà tù, tượng trưng cho ý chí bất khuất của những chiến sỹ cách mạng dù bị giam cầm.
Tháng 2/1940, chi bộ lâm thời chuyển thành chi bộ chính thức, đồng chí Trần Huy Liệu làm bí thư. Tháng 5/1940, chi ủy đã triệu tập Đại hội, đồng chí Tô Hiệu được bầu làm Bí thư Chi bộ. Chi bộ nhà tù Sơn La ra đời, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của phong trào cách mạng tại Sơn La. Trong ảnh là nơi giam giữ đồng chí Tô Hiệu.
Giữa chốn lao tù xiềng xích và bị kẻ thù kiểm soát gắt gao, tờ báo "Suối Reo" được Chi bộ Nhà tù Sơn La xuất bản vào tháng 5/1941 đã phản ánh nhiều nội dung sinh hoạt của tù chính trị trong cuộc đấu tranh chống chế độ tù đày của thực dân. Trong ảnh là hình ảnh phục dựng quá trình biên tập, sản xuất báo "Suối Reo".
Nhà tù Sơn La được xếp hạng quốc gia năm 1962 và Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt vào ngày 31/12/2014. Hiện di tích được tổ chức tham quan theo hình thức mở. Du khách có thể tận mắt quan sát trực tiếp, cầm nắm vào những chứng tích lịch sử oai hùng của dân tộc.
Vườn hồng với những trái chuyển sang màu cam đậm trơ trụi lá giữa mùa đông đang là điểm đến yêu thích của du khách khi...