Người nước ngoài ấn tượng với không khí lễ 30/4
TP HCM - James Bisset ngơ ngác khi thấy từng tốp tiêm kích, sau đó là trực thăng bay lướt qua bầu trời trong khi gần như tất cả người Việt đổ xô ra chụp ảnh.
Hỏi chuyện James mới biết đây là buổi diễn tập của lực lượng không quân, chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm ngày Việt Nam thống nhất.
"Đây là cột mốc khiến tôi rất ấn tượng", James, 29 tuổi, nói. Đã 6 năm ở TP HCM, anh biết 30/4 và Quốc khánh 2/9 là những ngày kỷ niệm lớn nhưng năm nay anh mới cảm nhận được sự thay đổi diễn ra ở khắp nơi.
Từ đầu tháng 4, các con đường, ngõ hẻm nhỏ khắp thành phố, đặc biệt gần phường Thảo Điền, TP Thủ Đức, nơi James sống được trang trí dày đặc cờ và biểu ngữ. Quán cà phê anh thường đến có thêm món cà phê muối, bề mặt cốc có lớp kem tạo hình cờ đỏ sao vàng. Đoạn ngang qua bến Bạch Đằng, quận 1, luôn chật kín người chụp ảnh với dàn đại bác và chiến sĩ đứng gác.
Dịp 30/4 mọi năm, đồng nghiệp người Việt của anh thường về quê, đi du lịch nhưng năm nay, mọi người đồng loạt thay đổi lịch trình, ở lại TP HCM xem diễu binh. "Không khó để nhận ra mọi người đang háo hức, mong chờ một ngày hội lớn", anh nói.
Người nước ngoài chia sẻ cảm nhận về không khí chuẩn bị lễ 30/4 tại TP HCM. Video: Nhật Quang
Victor Vladovich, quốc tịch Nga, đã sống ở TP HCM 18 năm và từng nghĩ Việt Nam không còn gì lạ lẫm. Nhưng từ cuối tháng 3, anh nhận ra "có một Việt Nam khác" khi những hoạt động chuẩn bị cho ngày lễ 30/4 nở rộ.
Một lần, anh tản bộ ở đường Nguyễn Huệ, quận 1 thì thấy một nhóm tình nguyện viên trẻ giúp các cựu chiến binh lớn tuổi sang đường để chụp ảnh trong khu trưng bày lễ 30/4. Lần khác, anh thấy một bé gái được bố dắt đến đặt hoa trước tượng một anh hùng lịch sử. Cô bé hỏi rất nhiều, thể hiện sự khao khát tìm hiểu về lịch sử đất nước.
"Thật xúc động với cảnh một bé gái muốn biết về lịch sử của đất nước mình", Victor nói. Anh cảm thấy thanh niên Việt Nam rất gắn kết và tri ân các thế hệ đi trước.
Những sự ngạc nhiên chưa hết. Một lần Victor đi chợ, thấy một tiểu thương trang trí quầy hàng bằng biểu ngữ. Bà cho biết đó là sản phẩm cháu trai làm để phục vụ cho vở kịch chào mừng lễ 30/4 ở trường. Với người tiểu thương này, 30/4 không chỉ là lễ kỷ niệm mà là một phần lịch sử của gia đình họ. Do đó, bà chọn treo ở vị trí trang trọng nhất trong gian hàng.
Victor cũng được một người bạn Việt Nam kể về bà ngoại, người trải qua thời chiến tranh, vẫn giữ quyển nhật ký nhỏ. Trong đó, dòng cuối cùng rất ngắn nhưng được tô đậm: Thống nhất rồi!
Dù ngày lễ vẫn chưa diễn ra, Victor cảm nhận được sự chuẩn bị ở khắp phố phường TP HCM. Những tấm áp phích được dựng lên ở trục đường chính, nhạc được phát ở không gian công cộng. Các địa điểm như Dinh Độc lập hay Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh luôn kín người. Sinh viên đại học thực hiện các video đăng trên mạng xã hội về hòa bình và thống nhất.
"Họ đang lan tỏa niềm tự hào, tập trung vào sự trân trọng hòa bình", Victor nói. Dịp này, anh cũng đến tham quan triển lãm ở quận 1 thể hiện các cột mốc thành tựu về giáo dục, y tế, kinh tế, của TP HCM trong 50 năm.
Victor Vladovich trong chuyến du lịch cùng đồng nghiệp, tháng 12/2024. Ảnh: Nhân vật cung cấp
James Bisset hay Victor nằm trong số những người nước ngoài bị thu hút bởi văn hóa Việt Nam qua các giá trị rất truyền thống như tôn kính tổ tiên, lòng hiếu khách và tinh thần yêu nước, độc lập, theo Cultural Atlas, nền tảng thông tin văn hóa đa quốc gia của SBS (Australia).
Báo cáo của tổ chức ABroader.org năm 2023 cho thấy 80% du khách nước ngoài yêu thích văn hóa Việt Nam, mô tả đất nước có "văn hóa lạc quan" và "tinh thần cộng đồng mạnh mẽ". Họ đặc biệt ấn tượng với ẩm thực, lễ hội và các sự kiện lịch sử của người Việt.
Đặc biệt, sự quan tâm này ngày càng lớn hơn trong bối cảnh TP HCM đang tổ chức lễ kỷ niệm cấp quốc gia với các chương trình diễu binh, diễu hành, bắn pháo hoa nghệ thuật mừng kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Chung cư Trần Nhật Duật ở đường Hoàng Sa, quận 1, TP HCM được trang trí cờ, chiều 16/4. Ảnh: Nhật Quang
Rajesh, người Ấn Độ, gọi đường phố TP HCM thời điểm này là "tràn ngập sức sống" với cờ đỏ sao vàng xuất hiện khắp nơi.
Mọi người diễn tập văn nghệ, diễn tập tiêm kích và chuẩn bị diễu binh, điều này làm Rajest nhớ đến không khí kỷ niệm Ngày Độc Lập (Independence Day) 15/8 ở quê hương mình. Ở Ấn Độ, thủ tướng sẽ kéo cờ ở pháo đài Đỏ tại New Delhi và người dân tham gia diễu hành.
Tuy nhiên, điều khiến anh ấn tượng là cách giới trẻ Việt Nam hưởng ứng ngày lễ lớn. Từ đầu tháng 4, họ đã trang trí nhà cửa và quán cà phê bằng cờ Tổ quốc.
Các nền tảng TikTok, Instagram Reels và podcast xuất hiện nhiều video của giới trẻ Việt nói về hòa bình và không khí 30/4. Đồng thời, họ cũng tổ chức các chuyến đi đến huyện Củ Chi, tìm hiểu câu chuyện về lịch sử và các cựu chiến binh.
"Tinh thần yêu nước và lòng biết ơn của người Việt đang thể hiện rất mạnh mẽ", anh nói.
Ngày 5/4, Đào Quang Hà bắt đầu hành trình đạp xe một mình từ Hà Nội vào TP HCM xem lễ diễu binh kỷ niệm 50 năm thống...