Chia sẻ

Cô giáo - nghệ sỹ Mỹ Dung thắp lên giấc mơ cho những "khán giả đặc biệt"

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay
0:00
0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Suốt 3 năm qua, chuỗi hòa nhạc thiện nguyện "Viết tiếp ước mơ" của cô giáo – nghệ sỹ piano Nguyễn Thị Mỹ Dung đã lan tỏa tình yêu thương, và gieo mầm hy vọng đến những em nhỏ đang kiên cường chiến đấu với bệnh hiểm nghèo.

Âm nhạc cổ điển, vượt ra khỏi những định kiến về sự sang trọng và hàn lâm, đã được nghệ sĩ piano Mỹ Dung và ê-kip khoác lên một diện mạo mới, với sứ mệnh nhân văn đầy ý nghĩa. Thay vì những khán phòng lộng lẫy, tiếng đàn piano cùng các dự án âm nhạc thiện nguyện của Mỹ Dung đã ngân vang giữa những “sân khấu dã chiến” tại hành lang bệnh viện, nơi những "khán giả đặc biệt" là các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo.

Dưới đôi tay tài hoa và trái tim trắc ẩn của người nghệ sĩ trẻ, âm nhạc cổ điển không còn là một thứ nghệ thuật xa vời, mà đã trở thành một nhịp cầu kết nối những tâm hồn, xoa dịu những nỗi đau và thắp lên những tia sáng ước mơ.

Cô giáo - nghệ sỹ Mỹ Dung thắp lên giấc mơ cho những "khán giả đặc biệt" - 1

Hành trình 25 năm nuôi dưỡng đam mê và lan tỏa

Hành trình hơn 25 năm gắn bó với những phím đàn của Mỹ Dung bắt đầu một cách nhẹ nhàng và tự nhiên như một mối duyên đẹp. Cô vẫn nhớ như in hình ảnh cô bé 6 tuổi được bố đưa tới lớp học piano, với mong muốn giản dị: “Con gái chơi piano cho biết”.

Lời khích lệ bất ngờ của cô giáo “Con bé này có năng khiếu đấy”, sau buổi học đầu tiên, đã vô tình mở ra một hành trình định mệnh, gắn kết cô với con đường nghệ thuật chuyên nghiệp mãi về sau.

Với hơn hai thập kỷ bền bỉ, nghệ sĩ piano Mỹ Dung đã khẳng định được tên tuổi của mình với tài năng biểu diễn ấn tượng, đồng thời thực hiện tốt vai trò là một tấm gương nhà giáo giàu tâm huyết. Tốt nghiệp xuất sắc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam và hoàn thành Thạc sĩ loại Giỏi dưới sự hướng dẫn của GS.TS.NSND Trần Thu Hà, cô đã nhận được chứng chỉ xuất sắc từ khóa đào tạo Piano quốc tế tại Phần Lan.

Cô giáo - nghệ sỹ Mỹ Dung thắp lên giấc mơ cho những "khán giả đặc biệt" - 2

Hiện tại, cô là giảng viên cơ hữu tại Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, gặt hái được nhiều thành tích nổi bật trong giảng dạy và hướng dẫn nhiều học sinh đạt giải cao trong các kì thi âm nhạc trong nước và quốc tế. Mỹ Dung vinh dự là một trong 20 giảng viên trẻ tiêu biểu của Thủ đô, với những đóng góp tích cực trong việc lan tỏa âm nhạc cổ điển đến cộng đồng.

Với bề dày thành tích là vậy, nghệ sĩ piano Mỹ Dung khiêm tốn chia sẻ về hành trình theo đuổi đam mê với âm nhạc nghệ thuật của mình: “Thành tựu thì nghe to tát quá! Với tôi, điều hạnh phúc nhất là khi âm nhạc của mình trở nên có ích. Đối với học sinh, tôi mong có thể truyền tải trọn vẹn năng lượng và kiến thức, giúp các em có hành trang vững vàng để bước vào đời, cũng như chuẩn bị thật kỹ lưỡng cho một hành trình dài hơi với âm nhạc.

Còn với cộng đồng, tôi hy vọng có thể mang âm nhạc đến gần hơn, biến âm thanh ấy thành nguồn năng lượng tích cực - để kết nối, để lan tỏa và đặc biệt là để góp phần giúp đỡ những em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn”.

Hành trình thắp sáng ước mơ bằng giai điệu

Trong một buổi biểu diễn tại Bệnh viện Nhi Trung ương, lời chia sẻ từ một nữ cán bộ Phòng Công tác xã hội: “Có những bé đây là lần đầu tiên được xem, và có lẽ cũng là lần cuối cùng” đã khiến ước mơ mang tiếng đàn dành tặng cho các em nhỏ của Mỹ Dung, một lần nữa được thôi thúc.

Nghệ sỹ Mỹ Dung cùng cháu bé Vàng Thanh Giang, người dân tộc thiểu số đã được chương trình “Viết tiếp ước mơ” giúp đỡ để có đủ chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo – (Ảnh NVCC)

Nghệ sỹ Mỹ Dung cùng cháu bé Vàng Thanh Giang, người dân tộc thiểu số đã được chương trình “Viết tiếp ước mơ” giúp đỡ để có đủ chi phí điều trị bệnh hiểm nghèo – (Ảnh NVCC)

“Mặc dù xung quanh đang rộn ràng tiếng nhạc, tiếng hò reo của các em, nhưng không gian lúc đó dường như lặng đi bên tôi”, cô bộc bạch.

Thế giới ngoài kia có biết bao điều rực rỡ, nhưng với nhiều em nhỏ, buổi biểu diễn hôm ấy có thể là lần cuối các em được sống trọn vẹn với niềm vui. Khoảnh khắc nhìn thấy hình ảnh một cô bé ngồi xe lăn, lặng lẽ giữa đám đông vì di chứng bệnh u não, đã khiến lòng cô trĩu nặng và day dứt mãi.

“Liệu âm nhạc có thể làm gì đó, dù rất nhỏ, để xoa dịu nỗi đau này không?”. Nỗi trăn trở của nghệ sĩ piano Mỹ Dung khi ấy, cũng chính là lời giải đáp cho hành trình mang tên “Viết tiếp ước mơ”, hành trình mang tiếng đàn đi xa hơn ranh giới của nghệ thuật, để xoa dịu những nỗi đau và lan tỏa những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng.

Duy trì suốt ba năm qua, “Viết tiếp ước mơ” là chuỗi hòa nhạc phi lợi nhuận, được tổ chức và vận hành theo quy tắc “5 Không”: Không chi phí tổ chức, Không cát-xê, Không lợi nhuận, Không sử dụng tiền mặt và Không bán vé. Toàn bộ những chi phí liên quan sẽ do Mỹ Dung và các cộng sự của cô đóng góp; nghệ sĩ biểu diễn chính là những người bạn, đồng nghiệp và học trò của cô.

Dù đây là thách thức không nhỏ trong quá trình thực hiện, nhưng chính nhờ vậy, chương trình đã có thể giữ trọn ý nghĩa nhân văn vốn có, mang đến những buổi biểu diễn đúng nghĩa và chân thật nhất dành cho các em nhỏ ở bệnh viện.

Khi nghệ thuật bước ra khỏi khán phòng lộng lẫy, ngân vang giữa “sân khấu dã chiến”

“Chúng tôi không bán vé để ai cũng có thể đến nghe nhạc một cách thoải mái, cũng không kêu gọi quyên góp trong suốt quá trình biểu diễn để tránh mọi hiểu lầm không đáng có. Tất cả khoản hỗ trợ đều chuyển khoản trực tiếp vào tài khoản bệnh viện - không qua tay bất kỳ cá nhân nào”, cô chia sẻ.

Cô giáo - nghệ sỹ Mỹ Dung thắp lên giấc mơ cho những "khán giả đặc biệt" - 4

Không chỉ chạm đến trái tim khán giả bằng giá trị tinh thần, chuỗi hòa nhạc “Viết tiếp ước mơ” còn góp phần san sẻ gánh nặng viện phí cho các bệnh nhi - tiếp thêm hy vọng để các em sớm quay về với tuổi thơ bình thường như bao đứa trẻ khác.

Đây cũng chính là lý do mà từ những ngày đầu chỉ với 15 nghệ sĩ, học sinh và sinh viên, đến nay, dự án đã quy tụ gần 70 nghệ sĩ cùng ê-kíp hậu trường, với dàn hợp xướng gần 30 thành viên. Mỗi đêm diễn chỉ kéo dài vài giờ, nhưng cả đội đã phải tập luyện ròng rã trước đó một tháng - miệt mài đến 21 -22h đêm mỗi ngày, và tất cả đều hoàn toàn tự nguyện, không nhận bất kỳ khoản cát-xê hay thù lao nào.

“Trên hành trình "Viết tiếp ước mơ", tôi không đơn độc. Âm nhạc đã kết nối những trái tim cùng chung một nhịp đập, lòng nhân ái cũng như tình yêu thương. Khi biết chương trình mang thông điệp nhân văn và thực sự có ý nghĩa mọi người đều sẵn sàng ủng hộ”, Mỹ Dung chia sẻ.

Chạm đến trái tim - Điểm "chạm" của âm nhạc đích thực

Với nghệ sĩ piano Mỹ Dung, âm nhạc nghệ thuật không gắn với những mỹ từ xa hoa. “Thứ mà âm nhạc hướng đến vẫn luôn là những điều gần gũi trong cuộc sống chúng ta", cô chia sẻ.

Cô giáo - nghệ sỹ Mỹ Dung thắp lên giấc mơ cho những "khán giả đặc biệt" - 5

Âm nhạc giúp những nỗi đau được xoa dịu, khiến những niềm hạnh phúc được đong đầy, và những tâm hồn trẻ thơ đang bị tổn thương khi phải đối mặt với căn bệnh hiểm nghèo, được hồi sinh cùng bao niềm hy vọng và hân hoan. Bởi lẽ đó, chạm đến trái tim, chính là điểm "chạm" của nghệ thuật chân chính.

"Muốn người ta yêu âm nhạc của mình thì mình phải yêu trước đã, mình phải thấy nó hay thì khán giả mới thấy hay được" - hơn ai hết, Mỹ Dung hiểu sâu sắc triết lý nghệ thuật: chỉ khi dùng trái tim để đánh thức trái tim, âm nhạc mới có thể thực sự lan tỏa và cảm hóa.

Khi công diễn quốc tế, cô luôn lựa chọn trình diễn các tác phẩm mang âm hưởng Việt Nam, còn khi biểu diễn trong nước, cô thường ưu tiên những bản hòa tấu có phần đơn giản, nhẹ nhàng - bởi theo cô, đó là cách để đưa âm nhạc đến gần hơn với công chúng, để họ dễ dàng rung động và cảm nhận.

Bên cạnh đó, nghệ sĩ piano Mỹ Dung luôn hướng đến khai thác chất liệu âm nhạc Việt Nam, nhằm khẳng định bản sắc dân tộc trong những tác phẩm trình diễn của mình.

Cô giáo - nghệ sỹ Mỹ Dung thắp lên giấc mơ cho những "khán giả đặc biệt" - 6

Ghi dấu bản sắc Việt Nam qua những sân khấu quốc tế và với đông đảo khán giả năm châu, chính là kim chỉ nam của Mỹ Dung trên hành trình làm nghệ thuật.

Hành trình "Viết tiếp ước mơ" bằng những phím đàn của một tấm lòng đẹp và giàu yêu thương, với sự chung tay của Mỹ Dung và các cộng sự, sẽ còn nối dài và ngân vang mãi.

Đấy không chỉ là câu chuyện truyền cảm hứng về hành trình theo đuổi nghệ thuật, mà còn là bản hòa ca của tình yêu, lòng nhân ái và khát khao lan tỏa những giá trị nhân văn đến cộng đồng.

Bên cạnh hoạt động nghệ thuật, nhiều sao Việt còn đảm đương vai trò của một nhà giáo. Họ tham gia giảng dạy ở nhiều...

Theo PV ([Tên nguồn])
Gửi góp ý
Chia sẻ
Lưu bài Bỏ lưu bài
Tin liên quan
Giới trẻ ngày nay

Xem Thêm